“Vào lúc 10h53 theo giờ địa phương ngày 25/12, Đài kiểm soát không lưu Aktau đã nhận được thông tin rằng một bình oxy phát nổ trong khoang hành khách của máy bay, mọi người đã bất tỉnh và tôi đã ra lệnh nỗ lực cứu hộ khẩn cấp”, Bộ trưởng Giao thông Kazakhstan Marat Karabayev phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/12.
Ông nói thêm: “Cơ quan quản lý hàng không Kazakhstan KazAeroNavigation đã ngay lập tức thông báo cho tất cả các dịch vụ khẩn cấp gồm lực lượng cứu hỏa và đội ngũ y tế về việc máy bay sắp hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Aktau”.
Trước đó, Bộ trưởng Karabayev thông báo rằng máy bay chở khách của hãng hàng không Azerbaijan Airlines từ thủ đô Baku (Azerbaijan) đi Grozny ở Chechnya (thuộc Nga) đã hai lần cố gắng hạ cánh xuống sân bay Aktau của Kazakhstan. Mọi thứ đã sẵn sàng nhưng các đơn vị mặt đất sau đó mất liên lạc với máy bay.
“Kiểm soát viên không lưu Aktau đã nhanh chóng thực hiện mọi biện pháp cần thiết để máy bay hạ cánh. Phi hành đoàn đã hai lần cố gắng hạ cánh trên đường băng của sân bay Aktau. Chúng tôi nhận thấy những thay đổi hỗn loạn về độ cao và đường bay của máy bay”, ông nói.
Ông cho hay, máy bay bị lỗi hệ thống điều khiển trước khi đi vào không phận của Kazakhstan, do vậy phi hành đoàn không thể duy trì đường đi và độ cao ổn định.
Máy bay sau đó rơi xuống một bãi đất trống cách sân bay Aktau khoảng 3km và vỡ làm đôi. Các nhân chứng cho biết có một tia sáng trên bầu trời và âm thanh lớn giống vụ nổ ngay trước khi máy bay rơi. Vụ tai nạn khiến 38 người thiệt mạng, trong khi 29 người may mắn sống sót.
Giả thuyết ban đầu cho rằng máy bay gặp nạn do va phải chim. Tuy nhiên, dựa vào các hư hại trên thân máy bay và lời kể của nhân chứng sống sót, các nhà quan sát cũng đặt ra nghi vấn máy bay bị bắn rơi.
Reuters dẫn 4 nguồn tin khác nhau cho biết, máy bay có thể đã trúng tên lửa phòng không của Nga.
Theo nguồn tin, vào thời điểm máy bay Azerbaijan Airlines bay qua lãnh thổ Chechnya, lực lượng phòng không Nga đang tích cực đánh chặn các máy bay không người lái của Ukraine.
Trang tin Calibre.Az của Azerbaijan dẫn nguồn tin chính phủ giấu tên cho rằng thảm kịch có thể là do hệ thống phòng không Pantsir-S của Nga kích hoạt khi máy bay đến gần Grozny.
Theo Calibre.Az, thời điểm đó, sân bay Grozny từ chối cho máy bay Azerbaijan hạ cánh, sau đó phi hành đoàn không thể xin phép hạ cánh ở Makhachkala và Mineralnye Vody. Kết quả là máy bay phải chuyển hướng tới Aktau ở Kazakhstan.
Nga hiện chưa bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Bất kỳ sự cố hàng không nào cũng phải được cơ quan quản lý chuyên ngành hàng không điều tra và sẽ là sai lầm nếu đưa ra bất kỳ giả thuyết nào trước khi cuộc điều tra hoàn tất”.
Theo: Dân Trí