Trong một cuộc họp báo vào ngày 26/12, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino đã bác bỏ lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama.
Ông Mulino mô tả kênh đào này là một phần không thể thiếu trong di sản quốc gia của Panama, đồng thời nhấn mạnh quyền sở hữu kênh đào Panama không phải là vấn đề có thể được đưa ra đàm phán.
“Kênh đào này của Panama và thuộc về người Panama. Không có khả năng mở ra bất kỳ cuộc thảo luận nào xung quanh thực tế này, điều đã khiến đất nước này phải trả giá bằng máu, mồ hôi và nước mắt”, nhà lãnh đạo Panama tuyên bố.
“Nếu có ý định thảo luận, thì không có gì để thảo luận cả”, ông Mulino nhấn mạnh.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Mulino cho biết “hoàn toàn không có sự can thiệp của Trung Quốc” vào kênh đào, nơi kết nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Trước đó, ông Mulino khẳng định, với tư cách là Tổng thống, “tôi muốn tuyên bố rõ rằng mỗi mét vuông của kênh đào Panama và khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục như vậy. Chủ quyền và độc lập của chúng tôi là không thể thương lượng”, Tổng thống Mulino cho biết.
Quan điểm của Tổng thống Mulino được các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh khác ủng hộ. “Kênh đào Panama thuộc về Panama và chủ quyền của nó phải được tất cả các quốc gia tôn trọng”, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết.
Trong các bài đăng trên mạng xã hội và phát biểu với những người ủng hộ, Tổng thống đắc cử Trump cáo buộc Panama tính “giá cắt cổ” với các tàu của Mỹ khi sử dụng kênh đào và ám chỉ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với tuyến đường thủy quan trọng này.
“Các khoản phí mà Panama tính là vô lý, đặc biệt là khi xét đến sự hào phóng mà Mỹ đã dành cho Panama”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social cuối tuần trước.
Kênh đào do Mỹ xây dựng được khai trương vào năm 1914 và do Washington kiểm soát cho đến khi có thỏa thuận năm 1977 quy định việc chuyển giao kênh đào cho Panama.
Kênh đào được cả hai nước cùng vận hành cho đến khi chính phủ Panama giữ toàn quyền kiểm soát sau năm 1999.
Tổng thống đắc cử Trump nói nếu tinh thần của thỏa thuận đó không được tuân thủ, “chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama cho Mỹ”.
Ngoài vấn đề chi phí, ông Trump dường như quan ngại việc Trung Quốc dường như đang tìm cách tăng cường kiểm soát Panama và kênh đào.
Không rõ mức độ nghiêm túc trong tuyên bố của ông Trump và ông cũng không nói rõ sẽ buộc một quốc gia thân thiện, có chủ quyền phải nhượng lại lãnh thổ của mình như thế nào.
Kênh đào Panama đóng vai trò là tuyến đường thủy quan trọng đối với thương mại quốc tế.
Theo thống kê năm 2024, mỗi năm, kênh đào Panama đón hơn 14.000 tàu thuyền qua lại, vận chuyển hơn 203 triệu tấn hàng hóa, tương đương khoảng 6% thương mại hàng hải toàn cầu.
Theo: Dân Trí