Thị trường vẫn rung lắc trong phiên chiều 27/12, tuy nhiên, dòng tiền đã gia nhập thị trường tích cực hơn so với hôm qua. VN-Index đóng cửa tăng 2,27 điểm tương ứng 0,18% lên 1.275,14 điểm trong khi thanh khoản sàn HoSE cải thiện, đạt 670,32 triệu cổ phiếu tương ứng 16.861,2 tỷ đồng.
HNX-Index điều chỉnh 0,77 điểm tương ứng 0,33% với khối lượng giao dịch 46,74 triệu cổ phiếu tương ứng 832,11 tỷ đồng. UPCoM-Index nhích nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,07%, khối lượng giao dịch ở mức 56,48 triệu cổ phiếu tương ứng 625,45 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường lúc này nghiêng về sắc đỏ với 489 mã giảm, 418 mã tăng. Trên 3 sàn có 48 mã tăng trần, tập trung tại các cổ phiếu nhỏ. Đáng chú ý, có 38 mã tăng trần trên sàn UPCoM và có 6 mã tăng trần trên HoSE.
LPB trở thành cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index, đóng góp cho chỉ số 1,26 điểm. Phiên này, LPB cháy hàng, tăng trần lên 31.000 đồng, khớp lệnh 9,36 triệu đơn vị và có dư mua giá trần. Ngoài LPB, phần lớn cổ phiếu ngân hàng cũng tăng giá và giao dịch sôi động.
HDB tăng 3,3%, khớp lệnh 12,4 triệu đơn vị; CTG tăng 1,6%, khớp lệnh 9,5 triệu đơn vị; VIB tăng 1,5%, khớp lệnh 22,8 triệu đơn vị; MSB tăng 1,3%, khớp lệnh 11,5 triệu đơn vị; TPB tăng 1,2%, khớp lệnh 27,8 triệu đơn vị. Các mã khác như EIB, TCB, STB, MBB cũng tăng giá và khớp lệnh cao so với mặt bằng chung của thị trường.
Trong khi các mã ô tô như CSM, DRC, HAX, HHS điều chỉnh giá thì TMT vẫn tăng trần lên 8.600 đồng, ghi nhận phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp. Khớp lệnh tại TMT đạt 282.100 cổ phiếu và có dư mua giá trần 274.500 đơn vị, cũng là phiên có thanh khoản mạnh nhất của cổ phiếu này. Bình quân giao dịch tại TMT suốt một năm qua chỉ đạt chưa tới 19.000 cổ phiếu mỗi phiên.
TMT có giá trị vốn hóa thị trường đạt 317,15 tỷ đồng tại thời điểm kết phiên 27/12. Sau 3 phiên cổ phiếu tăng trần, vốn hóa thị trường của công ty tăng gần 58 tỷ đồng.
Cổ phiếu TMT biến động mạnh sau khi website chính thức của Wuling Việt Nam thông báo TMT dự kiến đưa ra bản thương mại tại thị trường Việt Nam của 3 mẫu xe điện cỡ nhỏ E100, Yep và Yep Plus. Trong đó, đáng chú ý là với mẫu E100, phía TMT cho biết đang trong giai đoạn đàm phán để chốt giá bán chính thức của mẫu xe này tại Việt Nam, dự kiến dưới 150 triệu đồng (đã kèm pin).
Trở lại với thị trường chứng khoán, ở chiều ngược lại, cổ phiếu YEG của Yeah1 bị “khóa sàn” tới hết phiên, dư mua giá sàn 8,41 triệu đơn vị, khớp lệnh gần 450.000 cổ phiếu. Ngoài ra, một số mã khác như NO1, SPM và TTA cũng bị xả giá sàn, không có dư mua.
Đáng chú ý, phiên này, nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều mua ròng 751 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó mua ròng 615 tỷ đồng trên HoSE. Hoạt động mua ròng của khối ngoại tập trung tại 2 mã ngân hàng là STB và CTG với giá trị mua ròng lần lượt là 165 tỷ đồng và 125 tỷ đồng.
Theo: Dân Trí