Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, thời gian qua, thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng (shipper) gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân ngày càng nở rộ với nhiều phương thức tinh vi hơn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Hữu Huy (huyện Bình Chánh, TPHCM) – nhân viên văn phòng – cho biết anh vừa rơi vào bẫy khi nhận cuộc gọi từ một shipper thông báo có đơn hàng trị giá hơn 400.000 đồng.
Trong giờ hành chính, Huy kể người giao hàng liên tục nhắn tin, thúc giục anh chuyển khoản để họ kịp giao hàng. Nghĩ rằng đây là đơn hàng của bạn gái đặt bằng tài khoản của mình, đơn hàng cũng không quá lớn nên anh chuyển tiền. Chỉ vài phút sau, shipper lại gọi, yêu cầu anh truy cập đường link để được hỗ trợ hoàn tiền vì đã chuyển nhầm tài khoản.
Huy nghi ngờ nên tra cứu trên ứng dụng sàn thương mại điện tử nhưng không thấy có đơn hàng nào. Liên hệ lại với shipper, số điện thoại của anh đã bị chặn, không thể liên lạc. Số tiền đã chuyển đi cũng không thể lấy lại.
“Tôi không hiểu những thông tin cá nhân này bị lộ từ đâu, vì sao họ biết rõ tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ thường đặt hàng để giao như vậy”, Huy bày tỏ quan ngại.
Tương tự mới đây, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang điều tra, xác minh một vụ lừa đảo liên quan đến giao hàng. Đầu tháng 11, chị B. (sinh năm 2001) có nhận được điện thoại của shipper thông báo có đơn hàng gửi đến.
Chị B nói shipper để hàng vào nhà và bảo đưa số tài khoản để thanh toán. Sau khi chuyển khoản, shipper đã gọi lại thông báo gửi nhầm tài khoản thanh toán của shipper khác và yêu cầu chị phải truy cập vào một đường link của công ty giao hàng để nhận lại tiền gửi nhầm. Khi truy cập vào đường link, thực hiện theo hướng dẫn và quét mã QR thì tài khoản chị B bị trừ gần 100 triệu đồng.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa trực tiếp nhận hàng đã đặt và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản.
Người dân tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo. Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.
Khi bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân cần đến cơ quan Công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ kịp thời.
Từ tên, địa chỉ, số điện thoại đến giá trị đơn hàng, những thông tin này có thể bị khai thác qua các lỗ hổng bảo mật trên sàn thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển hoặc thậm chí là chính người bán hàng.
Sau các vụ việc, nhiều cá nhân đã chia sẻ trên các hội nhóm mua hàng online, cảnh báo người khác cần thận trọng khi nhận các cuộc gọi yêu cầu chuyển khoản, cung cấp thông tin cá nhân hay truy cập vào đường link lạ. Nếu shipper gửi, cần cân nhắc kỹ trước khi nhấp vào các đường link này và cảnh giác những số điện thoại tự xưng là trung tâm hỗ trợ.
Khi thông tin cá nhân khi bị lộ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
Theo: Dân Trí