Vì sao Tổng thống Biden dồn dập gửi viện trợ cho Ukraine?

Vì sao Tổng thống Biden dồn dập gửi viện trợ cho Ukraine? - 1

Ông Trump gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 13/11 (Ảnh: AFP).

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Bộ Quốc phòng nhanh chóng chuyển giao vũ khí cho Ukraine sau khi Nga phát động cuộc tấn công mạnh mẽ trong ngày Giáng sinh nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev.

Yêu cầu của Tổng thống Biden được đưa ra vào thời điểm chính quyền của ông đang cố gắng gửi càng nhiều viện trợ quân sự cho Ukraine càng tốt, ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1/2025.

Vì sao ông Biden lại vội vã chuyển tiền và vật tư cho Ukraine?

Các chuyên gia cho rằng, lo ngại chính quyền của ông Trump sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine, chính quyền ông Biden đang hành động gấp rút để đảm bảo toàn bộ số tiền viện trợ đã được quốc hội phê duyệt sẽ được giải ngân nhằm giúp Kiev giành ưu thế khi bước vào mùa đông.

Làn sóng tập kích ngày Giáng sinh

Từ tối 24/12 đến sáng 25/12, Nga đã liên tiếp tập kích Ukraine bằng máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Keith Kellogg, người được ông Trump chọn làm đặc phái viên của mình cho vấn đề xung đột Nga – Ukraine, đã lên án vụ tấn công, nói rằng: “Giáng sinh phải là thời điểm hòa bình, nhưng Ukraine đã bị tấn công ồ ạt vào Ngày Giáng sinh”, đồng thời nói thêm rằng Mỹ cam kết mang lại hòa bình cho Ukraine.

Ngay sau vụ tấn công của Nga, Tổng thống Biden chỉ đạo Bộ Quốc phòng nước này tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. “Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để củng cố vị thế của Ukraine trong việc phòng thủ chống lại lực lượng Nga”, ông Biden cam kết.

“Trong những tháng gần đây, Mỹ cung cấp cho Ukraine hàng trăm tên lửa phòng không và sẽ còn nhiều tên lửa nữa được chuyển đến. Tôi đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Mỹ sẽ tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ để củng cố vị thế của Ukraine trong việc phòng thủ chống lại lực lượng Nga”, thông cáo của cơ quan báo chí Nhà Trắng nêu rõ.

Đây là cam kết mới nhất trong hàng loạt cam kết hỗ trợ của Tổng thống Biden dành cho Ukraine kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11. Chính quyền ông Biden đã phải vội vã gửi hỗ trợ quân sự cho Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump thường xuyên đặt câu hỏi về vai trò hỗ trợ tài chính của Mỹ cho Ukraine.

Trong một sự kiện vận động tranh cử ở Georgia vào tháng 9, ông Trump đã nói: “Mỗi lần Tổng thống Ukraine Zelensky đến Mỹ, ông ấy lại ra về với 100 tỷ USD”. Và ông nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ mắc kẹt trong cuộc chiến đó nếu tôi không là tổng thống”.

Tổng thống đắc cử đã nói rằng ông muốn chấm dứt chiến tranh Ukraine ngay lập tức, làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể cắt giảm sự ủng hộ đối với Kiev sau khi nhậm chức.

Ukraine nhận được bao nhiêu viện trợ từ Mỹ?

Theo thông tin do Nhà Trắng công bố vào ngày 2/12, Washington cam kết cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự với tổng trị giá 61,4 tỷ USD kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022. Và kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, lời cam kết của chính quyền ông Biden càng nhiều.

Vào ngày 2/12, chính quyền ông Biden đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 725 triệu USD cho Kiev bao gồm đạn dược, hệ thống tên lửa đất đối không, vũ khí nhỏ, phụ tùng thay thế và các thiết bị khác. Gói này được gửi thông qua cơ chế đặc biệt Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA), được Quốc hội Mỹ phê duyệt.

Đến ngày 7/12, Washington đã cam kết viện trợ quân sự 988 triệu USD cho Ukraine, bao gồm UAV và đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine trước đó. Thay vì PDA, gói này được gửi từ Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI).

Sau đó, vào ngày 12/12, Ngoại trưởng Antony Blinken đã công bố một gói viện trợ quân sự cho Kiev trị giá 500 triệu USD, bao gồm đạn HIMARS, UAV và xe bọc thép thông qua cơ chế PDA.

Ngày 13/12, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết Tổng thống Biden sẽ “tiếp tục cung cấp các gói bổ sung cho đến hết nhiệm kỳ của chính quyền hiện nay”.

Ông Biden còn bao nhiêu tiền nữa cho Ukraine?

Với việc đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ khóa mới, Tổng thống Biden khó có thể thuyết phục các nghị sĩ chấp thuận cho khoản tài trợ mới cho Ukraine.

Ông Trump và nhiều đảng viên Cộng hòa trung thành với ông đã nói rõ rằng sẽ phản đối những gì họ mô tả là “tấm séc trắng” về mặt tài trợ cho Ukraine.

Nhưng ngay cả khi không được thông qua gói nào nữa, chính quyền ông Biden vẫn còn một khoản tiền mà ông định sử dụng để viện trợ tối đa cho Ukraine trước khi rời Nhà Trắng.

Tính đến cuối tháng 11, vẫn còn khoảng 4-5 tỷ USD trong PDA. Tổng thống Biden đã cam kết chi 1,5 tỷ USD trong số đó, nhưng ông vẫn còn khoản tiền đáng kể để giúp Kiev thêm nữa.

Từ tháng 8/2022 đến ngày 12/12 năm nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã sử dụng PDA 55 lần để gửi viện trợ cho Ukraine. Ngoài ra còn khoảng 2,2 tỷ USD trong USAI mà Tổng thống Biden có thể sử dụng.

Theo: Dân Trí