Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, đáng chú ý, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng kể từ lần thay đổi gần nhất. Như vậy, dự kiến mỗi năm sẽ có 6 đợt thay đổi giá, thay vì 4 đợt thay đổi giá như hiện nay, theo Quyết định 05/2024.
Bên cạnh đó, giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn có quyền điều chỉnh giá điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng dưới 5%. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng 5-10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên, Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Dự thảo cũng bổ sung cơ sở xác định lợi nhuận định mức trong tính toán giá bán điện bình quân của các khâu phân phối – bán lẻ, điều hành – quản lý, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các đơn vị hạch toán phụ thuộc chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của EVN.
Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của các khâu này được xác định bằng mức trung bình lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân của 4 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank) tại ngày 30/9 của 5 năm liền kề trước đó.
Hàng năm, EVN có trách nhiệm công bố công khai bao gồm: Chi phí thực tế thực hiện các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, điều hành – quản lý ngành) và các khoản chi phí khác…
Theo: Dân Trí