Vào tháng 8, đơn vị UAV Signum của Ukraine thuộc Lữ đoàn 93 hạ gục 8 UAV trinh sát Nga chỉ trong một ngày.
Signum được thành lập bởi các tình nguyện viên vào tháng 2/2022, ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ban đầu, các thành viên của Signum tham gia chiến đấu trong bộ binh, nhưng sau đó chuyển sang hoạt động với UAV. Đơn vị này sớm trở thành lực lượng tiên phong của Ukraine trong việc sử dụng UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) để tấn công cả mục tiêu trên không và trên mặt đất.
Đây là cách mà Ukraine đáp trả việc UAV trinh sát của Nga hoạt động mạnh mẽ trên không phận như “mắt thần”, điều chỉnh các cuộc pháo kích và không kích trên khắp mặt trận, gây khó khăn cho Kiev.
Signum đã sử dụng các UAV FPV giá rẻ để hạ gục UAV trinh sát Nga. Họ dùng UAV FPV để tấn công trực diện UAV đối thủ mà không cần trang bị thuốc nổ. Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí và đồng thời làm gián đoạn hoạt động trinh sát và tấn công bằng pháo binh của Nga. Trong 6 tuần đầu tiên triển khai tại Bakhmut, Signum đã hạ 65 UAV của Nga, buộc đối phương phải giảm đáng kể số lượng UAV trinh sát được phóng ra.
Một bước tiến lớn trong chiến thuật của Signum là tích hợp thiết bị trinh sát điện tử (ELINT), giúp phát hiện UAV đối thủ và xác định hướng di chuyển của chúng. Thiết bị này, kết hợp với kỹ năng điều khiển UAV, cho phép Signum đạt hiệu quả cao hơn trong việc hạ UAV Nga.
Họ từng đạt kỷ lục tiêu diệt 8 UAV trong một ngày và buộc Nga phải điều chỉnh chiến thuật, như tăng độ cao khi bay của UAV trinh sát để tránh bị phát hiện.
Nhờ các nỗ lực của Signum và các đơn vị săn UAV khác, một số khu vực phòng tuyến của Ukraine dần trở nên an toàn hơn trước các UAV trinh sát của Nga. Các cuộc pháo kích chính xác của Nga giảm đáng kể khi UAV trinh sát bị phá hủy, cho phép quân đội Ukraine di chuyển và tác chiến tự do hơn.
Dù đạt được nhiều thành tựu, Signum cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là sự thiếu phối hợp giữa các đơn vị. Các hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Ukraine thường vô tình làm gián đoạn hoạt động của Signum, gây khó khăn trong việc điều khiển UAV FPV. Bên cạnh đó, sự hạn chế về công nghệ và cơ sở hạ tầng sản xuất UAV trong nước cũng làm giảm hiệu quả chiến đấu.
Signum cũng nhận thấy rằng Ukraine cần cải thiện việc sử dụng các tần số mới để tránh bị đối phương gây nhiễu. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine vẫn đang tập trung vào sản xuất số lượng lớn UAV mà chưa đầu tư đủ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Điều này khiến khả năng thích nghi của Ukraine kém hơn so với Nga, lực lượng vốn đang liên tục điều chỉnh chiến thuật để đối phó với tình hình thực tế.
Tourist, một trong những thành viên cốt cán của Signum, nhấn mạnh rằng Ukraine cần đổi mới chiến lược sản xuất UAV, tập trung vào chất lượng và khả năng chống gây nhiễu. Việc thiết kế và triển khai các thiết bị truyền hình ảnh với tần số riêng biệt có thể mang lại lợi thế lớn trên chiến trường. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị sử dụng UAV và hệ thống EW là điều cần thiết để tối ưu hóa hiệu quả tác chiến.
Tourist cho rằng chỉ khi nào Ukraine vượt qua được những hạn chế hiện tại và đầu tư vào công nghệ tiên tiến, quân đội nước này mới có thể duy trì lợi thế trước Nga.
Theo: Dân Trí