Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov, người giám sát lĩnh vực kiểm soát vũ khí của Nga hôm 27/12 đã cảnh báo chính quyền sắp tới của ông Donald Trump rằng Moscow đang xem xét hàng loạt bước đi liên quan đến thử nghiệm hạt nhân, do lập trường mà Nga đánh giá là quyết liệt của ông Trump về vấn đề này.
Ông Ryabkov cáo buộc ông Trump đã có lập trường “cực đoan” về Hiệp ước Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân Toàn Diện (CTBT) trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021).
“Tình hình quốc tế hiện nay cực kỳ khó khăn, chính sách của Mỹ trong nhiều khía cạnh đang tỏ ra cực kỳ thù địch với chúng ta”, ông Ryabkov cho hay.
“Vì vậy, các hành động của chúng ta nhằm đảm bảo an ninh, cùng với các biện pháp và hành động có thể thực hiện để gửi đi những tín hiệu chính trị phù hợp – ngoài những gì mà các chuyên gia đang xem xét – là không loại trừ bất kỳ khả năng nào (liên quan tới thử hạt nhân)”, ông cảnh báo.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền ông Trump được cho đã thảo luận về việc liệu Mỹ có nên nối lại thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 1992 hay không, theo Washington Post.
Nga, sau khi Liên Xô sụp đổ, chưa tiến hành bất kỳ thử nghiệm hạt nhân nào. Lần thử nghiệm cuối cùng của Liên Xô diễn ra vào năm 1990. Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố rằng Nga sẽ xem xét việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân nếu Mỹ làm điều đó trước.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, chỉ một vài quốc gia tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Mỹ thử nghiệm lần cuối vào năm 1992, Trung Quốc và Pháp vào năm 1996, Ấn Độ và Pakistan vào năm 1998, và Triều Tiên vào năm 2017.
Khi Mỹ và các đồng minh châu Âu cấp phép cho Ukraine tấn công sâu vào Nga bằng tên lửa phương Tây, ngày càng có nhiều lời đồn đoán rằng Nga có thể nối lại thử hạt nhân như một đòn đáp trả.
Vào tháng 9, Andrei Sinitsyn, người đứng đầu bãi thử hạt nhân của Nga tại Novaya Zemlya, nói rằng cơ sở đã sẵn sàng để tiếp tục thử nghiệm trên quy mô lớn.
Theo: Dân Trí