Trong hành muối (dưa hành) và dưa cải muối chứa nhiều men probiotics và các vi khuẩn có lợi, có tác dụng kích thích tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch. Vì thế, thực phẩm này rất tốt đối với những người bị hội chứng ruột kích thích, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, táo bón…
Ngoài ra, hành muối, dưa cải muối cung cấp chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, E, beta-caroten, selen, kẽm… có lợi cho sức khỏe. Enzyme sống trong dưa hành làm giảm cảm giác khó chịu khi ăn các món chiên rán, nhiều dầu mỡ.
Dưa chua không chỉ có tác dụng kích thích tiêu hóa giúp chúng ta ăn ngon miệng, dễ tiêu, mà còn bổ sung các vi sinh vật có lợi cho hệ thống tiêu hóa con người như lactobacillus, acidophilus và plan-tarum.
Chính các vi sinh vật này tạo ra các enzyme chuyển hóa đường và tinh bột trong rau dưa thành axit lactic có vị chua cũng như tạo các enzyme phân hủy một phần chất đạm trong thực phẩm, giúp cơ thể hấp thu dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, dưa hành và dưa cải muối cũng tiềm ẩn nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt một số đối tượng không nên ăn.
Dưới đây là một số nhóm người nên tránh ăn dưa hành, dưa cải muối theo bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM):
– Người mắc bệnh dạ dày
Việc muối dưa trải qua quá trình lên men nên chứa nhiều acid, khi ăn nhiều hành muối, dạ dày sẽ tăng tiết dịch vị, acid ảnh hưởng đến niêm mạc bên trong, đồng thời khiến các vết viêm, loét trở nên nghiêm trọng hơn.
– Người mắc bệnh thận, tăng huyết áp
Dưa hành, dưa cải muối lên men và bảo quản bằng việc ngâm muối nên lượng muối trong đó rất lớn. Theo quy định, lượng muối tiêu thụ trung bình một ngày chỉ khoảng 5gr, ngoài ra còn phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, giới tính, độ tuổi…
Người mắc bệnh thận, tăng huyết áp cần ăn giảm muối hơn người bình thường, vì vậy, nếu ăn quá nhiều dưa muối có nghĩa cơ thể đã nạp một lượng lớn natri, làm tăng nguy cơ bệnh huyết áp, thận. Đặc biệt, bệnh nhân đã bị suy thận khả năng đào thải natri kém, việc ăn dưa muối làm ứ đọng muối trong cơ thể, có thể gây phù, tăng huyết áp.
– Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều dưa hành, dưa cải muối. Khi mang thai, hệ tiêu hóa của mẹ bầu trở nên nhạy cảm, nhất là khi nghén, ăn dưa chua có thể làm kích thích, tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn. Đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ, bạn cần phải ăn nhạt để tránh phù, nhiễm độc thai nghén.
Ngoài ra, chúng ta không nên ăn quá nhiều dưa hành muối, dưa có mùi lạ hoặc nổi váng. Không nên ăn các loại dưa muối xổi (vừa muối xong đã ăn).
Hàm lượng nitrit đặc biệt tăng cao trong mấy ngày đầu rồi giảm đi và mất hẳn khi dưa đã chua vàng.
Như vậy, trong dưa muối xổi chứa nhiều nitrit, khi chúng ta ăn vào cơ thể, axit trong dạ dày sẽ tạo điều kiện cho nitrit tác động vào các axit amin từ các thực phẩm khác như thịt, cá… để tạo thành hợp chất nitrosamine. Đây là một chất có khả năng gây ung thư trên động vật thí nghiệm.
Vì thế, để hạn chế quá trình hình thành nitrosamine trong cơ thể, chúng ta nên tránh ăn dưa, cà muối xổi, hoặc những loại dưa muối còn chưa đủ thời gian, dưa chưa vàng, ăn hãy còn cay, chỉ nên ăn sau khi muối khoảng 2-3 ngày.
Bản chất của dưa hành muối rất mặn, vì vậy trước khi ăn nên rửa qua với nước đun sôi để nguội và vắt bớt nước để giảm bớt lượng axit, muối trong dưa.
Ngoài ra, người dân nên ăn số lượng ít cho mỗi lần, không nên ăn liên tục và kéo dài.
Bên cạnh đó, mọi người nên ăn dưa tự muối hơn là mua ngoài hàng. Tự muối dưa giúp bạn điều chỉnh được lượng muối thêm vào và đảm bảo được thực phẩm sạch, không chất phụ gia, không chất bảo quản, dụng cụ muối sạch.
Trước khi muối dưa phải rửa rau và các dụng cụ để muối thật sạch. Cần tạo môi trường lên men tốt và giữ gìn vệ sinh trong quá trình muối dưa chu đáo, tránh sự xâm nhập của các vi khuẩn có hại.
Lưu ý dưa muối ăn thừa không cho lại vào lọ vì dễ làm hỏng dưa có sẵn trong đó; dùng muỗng, đũa sạch để gắp dưa; đậy kín lọ và nên bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
Theo: Dân Trí