Ông Trump dọa áp thuế nếu châu Âu không mua thêm dầu, khí đốt từ Mỹ

Ông Trump dọa áp thuế nếu châu Âu không mua thêm dầu, khí đốt từ Mỹ - 1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, ông Trump vào ngày 20/12 cho biết EU nên tăng cường nhập khẩu dầu và khí đốt từ Mỹ hoặc đối mặt với các thuế quan áp đặt lên hàng xuất khẩu của khối, bao gồm ô tô và máy móc.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, EU đang mua phần lớn dầu và khí đốt xuất khẩu của Mỹ. Ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng dầu khí khai thác của đất nước.

“Tôi đã nói với Liên minh Châu Âu rằng họ phải bù đắp thâm hụt khổng lồ với Mỹ bằng việc mua dầu và khí đốt của chúng tôi với quy mô lớn. Nếu không, thuế quan sẽ áp lên mọi hàng hóa”, ông Trump viết trên Truth Social.

Ủy ban Châu Âu cho biết họ sẵn sàng thảo luận với ông Trump về cách tăng cường mối quan hệ vốn đã mạnh mẽ, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng.

“EU cam kết loại bỏ nhập khẩu năng lượng từ Nga và đa dạng hóa các nguồn cung cấp của chúng tôi”, một phát ngôn viên cho biết.

Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê EU, Mỹ đã cung cấp 47% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 17% lượng dầu nhập khẩu của EU trong quý đầu tiên của năm 2024.

Mối đe dọa về thuế quan

Ông Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về việc áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ các nước. Các chuyên gia thương mại cho rằng động thái này sẽ làm đảo lộn dòng chảy thương mại, tăng chi phí và dẫn tới các biện pháp trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ, Mỹ ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng hóa với EU là 208,7 tỷ USD trong năm 2023. Mặc dù Mỹ có thặng dư trong lĩnh vực dịch vụ với EU, ông Trump chủ yếu tập trung vào thương mại hàng hóa, thường xuyên phàn nàn về việc EU xuất khẩu ô tô sang Mỹ trong khi ít ô tô được xuất khẩu theo chiều ngược lại.

Hiện tại, ô tô xuất khẩu từ Đức và Italy chịu mức thuế 2,5% tại Mỹ, nhưng mức thuế này có thể tăng gấp 4 lần nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa của mình.

Ông Trump cũng đã cam kết áp dụng mức thuế nặng đối với ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Mexico, Canada và Trung Quốc ngay trong ngày đầu nhậm chức nếu họ không ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép và buôn bán chất gây nghiện opioid fentanyl.

William Reinsch, một chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết EU có thể đàm phán để tránh các mức thuế của ông Trump. Điều này có thể là lợi ích cho cả hai bên, vì họ sẽ mua thứ họ cần và muốn”, ông Reinsch nói.

EU đã tăng mạnh việc nhập khẩu dầu khí từ Mỹ sau khi khối này quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt và cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022.

Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong những năm gần đây, với sản lượng hơn 20 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 1/5 nhu cầu toàn cầu.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang châu Âu đạt khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, chiếm hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu của Mỹ, phần còn lại chủ yếu hướng đến châu Á. Các nước nhập khẩu lớn nhất bao gồm Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Italy, Đan Mạch và Thụy Điển, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ.

“Châu Âu đang gần đạt tới giới hạn nhập khẩu tối đa đối với dầu thô của Mỹ, điều này có nghĩa là không có nhiều dư địa để tăng cường nhập khẩu vào năm tới”, Richard Price, chuyên gia phân tích thị trường dầu tại Energy Aspects, nhận định. Ông cũng cho biết việc đóng cửa các nhà máy lọc dầu ở châu Âu vào năm 2025 sẽ không giúp tăng nhập khẩu.

Mỹ cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ khí đốt lớn nhất thế. Năm 2023, châu Âu chiếm 66% lượng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, với các thị trường chính là Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức.

Theo: Dân Trí