Trước đây, thị trường vũ khí thế giới nằm dưới sự thống trị của các quốc gia phương Tây với những cái tên như Mỹ, Nga và Pháp. Dù vậy, trong những năm gần đây, các nước này đang phải cạnh tranh với những đối thủ mới, trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản là những cái tên đang nổi lên hàng đầu.
Theo khảo sát được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 2/12, doanh thu của các công ty quốc phòng Nhật Bản có tên trong danh sách 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới đã tăng lần lượt 39% và 35% – bỏ xa so với mức trung bình 4,2% của các công ty khác.
Các con số này chỉ thấp hơn chút ít so Nga – quốc gia vẫn đang mắc kẹt trong cuộc xung đột với Ukraine. Các công ty vũ khí hàng đầu của Nga ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 40%, theo SIPRI.
“Sự gia tăng nhanh chóng trong doanh thu của các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản phản ánh bức tranh rộng hơn: Sự tăng cường tiềm lực quân sự tại khu vực để đáp ứng nhận thức về mối đe dọa gia tăng”, Xiao Liang, nhà nghiên cứu của SIPRI, nhận xét. “Các công ty Hàn Quốc cũng đang cố gắng mở rộng thị phần trên thị trường vũ khí thế giới, bao gồm nhu cầu tại châu Âu liên quan tới chiến sự tại Ukraine”.
Động lực từ nội địa
Dù tổng thị phần trong thị trường vũ khí thế giới của Hàn Quốc (1,7%) và Nhật Bản (1,6%) đều tương đối nhỏ, ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước này đang ngày càng khẳng định danh tiếng.
Theo SIPRI, tổng doanh thu của 4 công ty Hàn Quốc trong danh sách là 11 tỷ USD, trong khi năm công ty Nhật Bản đã thu về 10 tỷ USD trong năm 2023.
Doanh thu của Mitsubishi Heavy Industries đã tăng 24% trong năm 2023, giúp công ty này tăng 6 bậc trên bảng xếp hạng để vươn lên vị trí thứ 39 toàn cầu. Bốn công ty Nhật Bản còn lại nằm trong top 100 là Kawasaki Heavy Industries (thứ 65), Fujitsu (thứ 71), NEC (thứ 91) và Mitsubishi Electric (thứ 96). Trong đó, NEC và Mitsubishi Electric là hai cái tên mới được bổ sung vào danh sách.
Nguyên nhân hàng đầu giúp các công ty quốc phòng Nhật Bản tăng doanh thu là việc ngân sách quốc phòng nước này ngày càng tăng. Nhờ đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang tìm kiếm những đơn hàng để bổ sung vũ khí và trang bị.
Trong báo cáo, SIPRI ghi nhận “sự thay đổi lớn trong chính sách chi tiêu quốc phòng” do Nhật Bản hồi năm 2022 khởi động “chương trình tăng cường tiềm lực quân sự lớn nhất kể từ khi Thế chiến II kết thúc”. Báo cáo chỉ ra vì nhu cầu trong nước gia tăng, các công ty Nhật Bản có cơ hội vươn lên trên bảng xếp hạng.
Theo Japan Times, Nhật Bản được cho đang xây dựng chiến lược trung và dài hạn để củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, Tokyo sẽ tập trung khuyến khích hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và giới nghiên cứu.
Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ vấp phải thách thức do nhiều cơ sở nghiên cứu Nhật Bản vẫn ngần ngại triển khai các nghiên cứu về công nghệ an ninh – quốc phòng.
Một điểm khác trong kế hoạch của Nhật Bản là đầu tư vào các công ty nhỏ muốn gia nhập thị trường. Ngoài ra, Tokyo cũng tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu – điều không chỉ mang lại nguồn tài chính cho các công ty công nghiệp quốc phòng mà còn mở ra các cơ hội hợp tác phát triển các loại vũ khí tiên tiến.
Vươn tầm với toàn cầu
Theo bảng xếp hạng của SIPRI, doanh nghiệp vũ khí lớn nhất Hàn Quốc là Hanwha Group. Doanh thu của Hanwha trong ngành công nghiệp quốc phòng đã tăng tới 53% trong năm 2023, giúp doanh nghiệp này vươn lên vị trí thứ 24 từ vị trí thứ 42 năm trước đó.
Trong năm 2023, Hanwha đã sáp nhập mảng đóng tàu của Daewoo để thành lập công ty đóng tàu của riêng mình với tên gọi Hanwha Ocean. Nhờ đó, Hanwha đã trở thành nhà sản xuất vũ khí toàn diện. Danh sách vũ khí mà công ty này sản xuất có thêm tàu hải quân – bổ sung cho kho vũ khí trên bộ và trên không sẵn có.
Ba công ty Hàn Quốc khác có tên trong danh sách là Korea Aerospace Industries (KAI – thứ 56), LIG Nex1 (thứ 76) và Huyndai Rotem (thứ 87). Trong đó, KAI và Huyndai Rotem đều ghi nhận mức tăng doanh thu trên 40%.
Dù chính phủ Hàn Quốc cũng tăng cường chi tiêu quốc phòng, giới chuyên gia nhận định nguyên nhân chính thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí Hàn Quốc là xuất khẩu.
Australia và một số nước châu Âu đã bắt đầu mua pháo tự hành K-9 do Hàn Quốc sản xuất. Ba Lan đã bổ sung vào biên chế hàng loạt xe tăng và máy bay tấn công hạng nhẹ do các doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất.
Trong khi các nhà chế tạo vũ khí phương Tây tập trung vào các loại vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu, tên lửa và phương tiện không người lái, thế mạnh của các công ty Hàn Quốc là vũ khí cho lục quân. Điều này trở thành lợi thế trong bối cảnh nhiều quốc gia muốn tăng cường năng lực bảo vệ lãnh thổ do cuộc xung đột Nga – Ukraine và tình hình tại Trung Đông.
Theo CNBC, giá trị cổ phiếu của cả bốn doanh nghiệp Hàn Quốc trong danh sách đều đã tăng mạnh trong năm 2024. So với thời điểm cuối tháng 11/2023, vào cuối tháng 11/2024, giá trị cổ phiếu của Hanwha Aerospace tăng tới hơn 150% giá trị. Mức tăng của KAI là khiêm tốn nhất, nhưng cũng vượt mức 20%.
Theo các chuyên gia, bí quyết của vũ khí Hàn Quốc là “rẻ hơn, tốt hơn và nhanh hơn”. Các nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc tìm cách hạ giá thành, xuất xưởng nhanh mà chất lượng không quá khác biệt so với vũ khí đến từ các quốc gia khác.
Ví dụ, tên lửa đất đối không Cheon-gong của LIG Nex1, được đánh giá có tính năng tương đồng tên lửa PAC-3 của Mỹ, chỉ có giá thành bằng một phần ba. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cũng từng tiết lộ nước này chọn mua máy bay FA-50s của KAI nhờ khả năng giao hàng nhanh chóng: Sau khi đơn hàng được ký kết năm 2022, 12 máy bay đã được gửi tới Ba Lan tính tới cuối năm 2023. 36 chiếc còn lại sẽ được chuyển giao từ năm 2025.
“Công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc trong các ngành công nghiệp dân sự giờ đây được áp dụng để phát triển các hệ thống vũ khí, giúp tạo ra các hệ thống có chất lượng ở tầm thế giới”, Uk Yang, nhà nghiên cứu tại Viện Asan (Hàn Quốc), phân tích.
Theo: Dân Trí