Sản xuất nước trong nước đạt 70%
Thông tin trên được ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị đối thoại chính sách với chủ đề “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp” diễn ra ngày 25/12, do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và AstraZeneca Việt Nam tổ chức.
Theo ông Hùng, hiện Việt Nam có 238 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 17 nhà máy đạt chuẩn GMP-EU. Đến nay Việt Nam đã sản xuất được 15 loại vaccine, đáp ứng 100% nhu cầu tiêm chủng mở rộng và 10% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70% về số lượng, nhưng chỉ chiếm khoảng 46,3% giá trị tiêu thụ. Công nghiệp dược vẫn tập trung vào sản xuất thuốc generic, chưa chú trọng vào thuốc công nghệ cao hay thuốc phát minh. Hiện chỉ có khoảng 20 loại thuốc được chuyển giao công nghệ.
“Trong sản xuất vaccine, các vaccine Việt Nam sản xuất được trước đó cũng nhờ được chuyển giao công nghệ. Hiện nhiều loại vaccine mới, giá thành đắt đỏ chưa thể thực hiện”, một đại biểu nêu ý kiến.
Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cũng đánh giá, năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine cũng đang gặp nhiều hạn chế; Sản phẩm được chuyển giao phần lớn vẫn là các sinh phẩm thông thường, chưa bao gồm nhiều sản phẩm đột phá hay các công nghệ tiên tiến như mRNA, công nghệ tái tổ hợp, hoặc các dạng bào chế công nghệ cao.
Về nguyên nhân của tình trạng này theo ông Hùng do hạn chế về nguồn lực như thiếu vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu và sản xuất còn hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ không chỉ có ý nghĩa phát triển ngành dược mà còn mang lại giá trị kinh tế và xã hội toàn diện, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
“Kỳ vọng giai đoạn 2030-2045 ngành dược Việt Nam phải là nước phát triển trong khu vực. Nhưng làm thế nào để thực hiện mục tiêu?
Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có nói cụm từ “Việt Nam cất cánh”, trong ngành dược, với mục tiêu thực hiện trong khoảng 20 năm, muốn cất cánh phải hội đủ các yếu tố về khung pháp luật; chiến lược chính sách đã rõ ràng nhưng cần cụ thể hóa trong nghị định, thông tư để sát sườn với doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng của nền công nghiệp dược…”, PGS Truyền nói.
Đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thuốc phát minh
Theo ông Hùng, Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu phát triển ngành Dược Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN.
Đến năm 2030, phấn đấu thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng và 70% giá trị thị trường, tiếp nhận chuyển giao công nghệ ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm.
Theo ông Hùng, việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc sẽ giúp ngành dược tự chủ chất lượng thuốc phục vụ công tác chữa bệnh.
“Hiện có khoảng hơn 20.000 số đăng ký, có hơn 800 hoạt chất. Số lượng thuốc ta cần còn rất thiếu, để rút ngắn được, chuyển giao công nghệ là con đường hiệu quả nhất. Chuyển giao công nghệ không chỉ tập trung sản xuất, mà công nghệ quản lý chất lượng, đào tạo, nhân lực… đều được tiếp cận ở tiêu chuẩn cao hơn”, ông Hùng đánh giá.
Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cũng cho rằng, để làm được điều này, bên cạnh nội lực, việc hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Với vai trò cơ quan quản lý, Cục Quản lý Dược sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nghị định thông tư hướng dẫn thi hành Luật Dược sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.
Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiệu quả, trong thảo luận tại hội nghị, các nhà quản lý, đơn vị đấu thầu mua sắm thuốc, doanh nghiệp đều cho rằng, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ các chính sách liên quan.
Ngoài ra, cần giải quyết các khó khăn trong việc triển khai, như tăng mức độ giảm giá hợp lý trong đàm phán giá và đảm bảo thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đúng theo cam kết ưu đãi.
Bên cạnh đó, việc đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực ngành công nghiệp dược để tiếp nhận và làm chủ công nghệ là yếu tố then chốt.
Cuối cùng, cần tăng cường giám sát và đánh giá việc thực hiện các chính sách để đảm bảo hiệu quả, đồng thời tạo nền tảng thúc đẩy ngành công nghiệp dược Việt Nam phát triển bền vững.
Theo TS Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy thành công của chuyển giao công nghệ phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Chính phủ.
Việc ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia vào các dự án chuyển giao công nghệ.
“Tôi tin rằng với sự nỗ lực của Chính phủ và sự đồng hành của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các bên liên quan, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và chuyển giao công nghệ thuốc giá trị cao trong khu vực ASEAN hoàn toàn có thể trở thành hiện thực”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược nói.
Theo: Dân Trí