Đặc nhiệm Ukraine và những chiến dịch tấn công Nga

Đặc nhiệm Ukraine và những chiến dịch tấn công Nga - 1

Một lính đặc nhiệm Ukraine khi tham gia khóa huấn luyện ở gần Salisbury, Anh (Ảnh: Independent).

Lực lượng tác chiến đặc biệt (SSO) của Quân đội Ukraine là đơn vị tinh nhuệ chuyên thực hiện các nhiệm vụ phức tạp trên bộ, trên biển và ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng dưới nhiều vai trò khác nhau, từ đột kích phá hủy mục tiêu, trinh sát đường không cho tới hoạt động tâm lý chiến.

Do tính bí mật cao nên thông tin chi tiết về các nhiệm vụ và nhân sự của SSO thường được giữ kín. Công tác tuyển dụng cũng hết sức nghiêm ngặt, chỉ khoảng 10% ứng viên vượt qua quá trình đào tạo khắc nghiệt.

Thường xuyên theo dõi hoạt động của SSO suốt cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, Kyiv Post đã đưa ra danh sách thống kê những chiến dịch táo bạo nhất của lực lượng này trong năm 2024.

Chiến dịch “Citadel”

Đầu tháng 2, SSO cho công bố đoạn video về Chiến dịch “Citadel” đột kích phá hủy một giàn khoan do Nga kiểm soát ở Biển Đen.

Theo tình báo Ukraine, Nga đã sử dụng giàn khoan này để điều phối các cuộc tấn công tự sát bằng máy bay không người lái Shahed vào cơ sở hạ tầng phía Nam Ukraine. 

Giàn khoan cũng được trang bị radar Neva-B nhằm mục đích giám sát nhiều khu vực rộng lớn, gồm cả phía Tây Bắc Biển Đen.

Lợi dụng trời tối lúc nửa đêm, xuồng biệt kích của SSO đã tiếp cận giàn khoan, vượt qua những khu vực mà máy bay và tàu chiến Nga liên tục tuần tra, gài mìn rồi rời khỏi mục tiêu.

Sau khi rút về khoảng cách an toàn, đặc nhiệm Ukraine đã kích hoạt khối thuốc nổ, phá hủy giàn khoan cùng trạm radar trên đó.

Chiến dịch “Citadel” do Trung tâm Hàng hải Số 73, lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của Hải quân Ukraine thực hiện. Đơn vị này thường được so sánh với biệt kích hải quân SEAL của Mỹ.

Chiến dịch “Hoverla” đánh chiếm cứ điểm Nga

Đầu tháng 2 năm nay được đánh dấu bằng 2 chiến dịch đặc biệt chớp nhoáng của Ukraine. Ngoài Chiến dịch “Citadel”, Quân đội Ukraine còn triển khai hoạt động thứ 2 mang mật danh “Hoverla”, đánh chiếm một cứ điểm của Nga.

Địa điểm cụ thể vẫn chưa được tiết lộ nhưng SSO cho biết chiến dịch đã góp phần cải thiện đáng kể tình hình hoạt động và chiến thuật của Quân đội Ukraine.

Trước đó, các đơn vị phòng thủ của Ukraine đã không thể kiểm soát được cứ điểm này trong nhiều tháng.

Được lên kế hoạch và hiệp đồng chặt chẽ với một số đơn vị thông thường khác, SSO triển khai Chiến dịch “Hoverla” dưới sự hỗ trợ về hỏa lực, tác chiến điện tử và máy bay không người lái. Nhóm tấn công đã đột kích, chiến đấu và chiếm giữ thành công cứ điểm. Hai lính dù Nga được cho là đã bị bắt làm tù binh.

Sau khi thực hiện thành công, SSO bàn giao cho các lực lượng phòng thủ khác của Ukraine bảo vệ khu vực này.

Đặc nhiệm Ukraine và những chiến dịch tấn công Nga - 2

Một quân nhân Ukraine di chuyển trong chiến hào ở tiền tuyến tại vùng Donetsk, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Các vụ tập kích phá hủy hệ thống tên lửa Buk

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk được thiết kế để phòng thủ điểm và đối phó với nhiều mối đe dọa trên không, trong đó có cả máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình và trực thăng. 

Theo ước tính, chi phí cho phiên bản mới nhất của hệ thống phòng không này –  Buk-M1-2, rơi vào khoảng 100 triệu USD.

Trong năm 2024, đặc nhiệm Ukraine đã tiến hành thành công nhiều chiến dịch chống lại các hệ thống phòng không Buk của Nga bằng các chiến thuật khác nhau.

Tháng 1, tại khu vực Donetsk, nhóm điều khiển máy bay không người lái của SSO đã chỉ thị tọa độ cho pháo binh Ukraine phá hủy một hệ thống Buk, đồng thời vô hiệu hóa hai hệ thống khác.

Đầu tháng 3, SSO phá hủy tiếp một hệ thống Buk-M1 của Nga, rồi đến cuối tháng lại là một hệ thống Buk khác ở khu vực Zaporizhzhia. SSO cho biết họ sử dụng hỏa lực của tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp cho cuộc tấn công sau.

Trong tháng 4, SSO chỉ thị tọa độ cho pháo binh Ukraine phá hủy tiếp một tổ hợp Buk-M1 đang chuẩn bị phóng tên lửa ở vùng Donetsk. Ở khu vực Sumy, đặc nhiệm SSO cũng tấn công một hệ thống tên lửa Buk ngay ở vị trí phóng bằng máy bay không người lái vào ngày 30/4.

Chưa hết, ngày 2/5, SSO báo cáo đã phá hủy một bệ phóng Buk mang theo 6 tên lửa. Đến cuối tháng, Trung đoàn Độc lập Số 3 của SSO xác nhận phá hủy thêm 4 hệ thống Buk, tức bằng biên chế của một nửa tiểu đoàn. 

Một tiểu đoàn Buk tiêu chuẩn thường bao gồm: 1 xe chỉ huy; 1 trạm trinh sát/bắt bám và điều khiển đặt trên xe (TAR); 6 xe phóng (TELAR) và 3 xe tiếp đạn.

Gần đây nhất vào tháng 11, SSO phối hợp với các đơn vị khác của Quân đội Ukraine đã phá hủy một trạm radar của hệ thống Buk-M3 tại tỉnh Zaporizhzhia.

Đặc nhiệm Ukraine và những chiến dịch tấn công Nga - 3

Lực lượng đặc nhiệm Ukraine trong một cuộc tập trận, tháng 5/2019 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine).

Tập kích trạm vô tuyến 25 triệu USD của Nga

Tháng 6 năm nay, đặc nhiệm Ukraine báo cáo một cột mốc lịch sử: tấn công trạm chuyển tiếp vô tuyến kỹ thuật số của Nga – R-416GM, đánh dấu đây là lần đầu tiên một trạm như vậy bị tấn công trong chiến tranh.

SSO cho biết, các binh sĩ thuộc Trung đoàn Đặc nhiệm Số 3 trước đó đã phát hiện thấy một trạm R-416GM khi đang tham gia tác chiến tại khu vực được giao rồi quyết định tấn công “bằng loại thiết bị mới được phát triển và biên chế”. Cuộc tấn công đã làm gián đoạn liên lạc giữa sở chỉ huy của Nga với các đơn vị quân đội khác.

R-416GM do Nhà máy Thiết bị Vô tuyến Nga phát triển, được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm quốc phòng năm 2017 và biên chế cho Quân đội Nga sau đó 1 năm. Theo các thông tin công khai, mỗi trạm R-416GM có giá khoảng 25 triệu USD.

Trạm di động này được thiết kế để nâng cao khả năng cho các đơn vị chuyển tiếp vô tuyến trên thực địa, cải thiện tính năng hiển thị vật thể cũng như gia tăng hiệu quả chỉ huy cho các đội hình quân sự.

“Đây là một thành tựu rất đáng kể vì Quân đội Ukraine chưa bao giờ tấn công được một hệ thống như vậy trước đây”, SSO cho biết.

Tấn công vùng lãnh thổ Kursk

Đầu tháng 8, khi Ukraine phát động chiến dịch tấn công vào vùng lãnh thổ Kursk của Nga, SSO ngay lập tức báo cáo về sự tham gia táo bạo của họ. 

Theo đó, SSO đã liên tục thực hiện các cuộc phục kích và đột kích chớp nhoáng vào nhiều vị trí của Quân đội Nga. SSO tuyên bố đã tiêu diệt hơn một chục binh sĩ Nga, bắt giữ hàng chục người khác và giải cứu các binh sĩ Ukraine bị bao vây.

Ngoài nhiệm vụ phục kích, lính đặc nhiệm SSO còn chiếm giữ và phá hủy thiết bị, khí tài quân sự Nga, gồm cả các cầu phao và hệ thống tác chiến điện tử.

Thông qua các chiến dịch hiệp đồng tấn công chính xác, SSO được cho là đã chứng minh được khả năng thích ứng vượt trội của mình, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Theo: Dân Trí