Đêm nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo vừa diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội đã để lại ấn tượng đẹp cho người xem.
Trong 90 phút, khán giả được thưởng thức trọn vẹn vở nhạc kịch với câu chuyện kể về cuộc đấu tranh khốc liệt của Chí Phèo với số phận của mình.
Chí Phèo với xuất thân và diện mạo bám sát với nguyên tác văn học. Tuy nhiên, Giấc mơ Chí Phèo không nặng nề về tâm lý, không đi sâu vào mô tả hiện thực đời sống của tầng lớp con người trong xã hội phong kiến mà hướng tới yếu tố lãng mạn trong câu chuyện lứa đôi của Chí Phèo và Thị Nở.
Trong vai trò Tổng đạo diễn và Giám đốc âm nhạc, Dương Cầm đã tái hiện một Chí Phèo trên sân khấu nhạc kịch “bình thường và thiện lương”.
“Đã có rất nhiều loại hình nghệ thuật khai thác nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Tuy nhiên ở góc độ lãng mạn thì chưa có ai làm cho “tới” và khán giả cũng rất muốn được xem đầy đủ một góc rất khác của Chí Phèo.
Với nhạc kịch, tôi có thể làm được điều đó, khi gợi về một mối tình Chí Phèo, Thị Nở đủ lãng mạn và gây xúc động cho người xem”, nam nhạc sĩ bày tỏ.
Nhạc kịch với chất liệu thuần Việt không là giấc mơ của riêng ai nhưng với Dương Cầm giấc mơ đó trở thành nỗi niềm trăn trở hàng chục năm trời. Bởi những vở mà anh đã từng xem, chưa đủ độ “đã” hay thực sự có đủ quy mô và tiêu chuẩn quốc tế như mong đợi.
Dương Cầm chia sẻ, văn học Việt Nam là một “mỏ vàng” với nhạc kịch. Anh chỉ mất đúng 5 ngày để hoàn thành 19 tác phẩm dành cho vở Giấc mơ Chí Phèo.
Khán giả cũng ấn tượng với kịch bản của Đinh Tiến Dũng và phần dàn dựng và đạo diễn của Phùng Tiến Minh.
Trong vở diễn, Phùng Tiến Minh đã đem một tinh thần sân khấu rất chắc chắn trong diễn xuất, bởi phần nhiều các ca sĩ tại Nhà hát Thăng Long phần nhiều không xuất thân diễn viên, thế mạnh của họ là ca hát.
Nhưng “qua tay” của Phùng Tiến Minh anh “gò” nghệ sĩ của mình từ ngọc thô thành ngọc lấp lánh.
Kết thúc show diễn, Diva Mỹ Linh xúc động chia sẻ, chị đã xem các trích đoạn trước đó, cũng rất háo hức và tò mò không biết ê-kíp sẽ làm nhạc kịch broadway (tiêu chuẩn của một sân khấu nhà hát chuyên nghiệp) như thế nào.
“Khi xem, tôi thấy tự hào về các bạn, đặc biệt phần âm nhạc của Dương Cầm, quá hay. Phần diễn xuất của Thị Nở do Hoàng Thái Phương thể hiện khiến tôi rất bất ngờ, em ấy rất có sức hút. Tôi mong rằng, vở nhạc kịch này sẽ có một đời sống đủ lâu dài và nhiều người có thể được xem vở nhạc kịch này…”, Mỹ Linh nói.
Nhà văn Hoàng Anh Tú cũng bày tỏ, anh mong sẽ có một đêm công diễn nữa để khán giả Thủ đô có thể thưởng thức vở nhạc kịch hấp dẫn này.
Anh chia sẻ: “Khi kết thúc vở diễn trở về nhà, hai vợ chồng tôi bàn luận với nhau đến gần 1h sáng mới chịu ngủ. Bao nhiêu cảm xúc của tôi bị Dương Cầm, Tấn Minh, Phùng Tiến Minh và Đinh Tiến Dũng… thao túng.
Mong rằng, vở nhạc kịch này sẽ được công diễn nhiều hơn nữa, biến nó thành Romeo và Juliet phiên bản Việt. Để Chí Phèo và Thị Nở thực sự trở thành biểu tượng tình yêu”.
Trong bối cảnh thị trường nở rộ các chương trình âm nhạc quy mô, thì nhạc kịch được xem là món ăn “độc lạ” đầy hấp dẫn. Điều đó là một tín hiệu tốt để ê-kíp có thể đem Giấc mơ Chí Phèo vươn cánh bay xa.
Giấc mơ Chí Phèo có sự tham gia của dàn nghệ sĩ: Đông Hùng (thủ vai Chí Phèo) và Hoàng Thái Phương (con gái nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, thủ vai Thị Nở), NSƯT Khánh Hòa (thủ vai bà Cô), ca sĩ Bách Nguyên thủ vai Bá Kiến, ca sĩ Đinh Quang Đạt thủ vai Tự Lãng… và các diễn viên, ca sĩ tài năng của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.
Theo: Dân Trí