Nga cảnh báo phương Tây về chiến tranh hạt nhân

Nga cảnh báo phương Tây về chiến tranh hạt nhân - 1

Hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ (Ảnh: TWZ).

“Chúng tôi chưa bao giờ khởi xướng các cuộc thảo luận về việc phải làm gì với vũ khí hạt nhân hoặc liệu chúng có thể được sử dụng hay không”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu trong chương trình “60 Minutes” phát sóng trên kênh truyền hình Rossiya-1 hôm 25/12.

“Chúng tôi không muốn thổi bùng ngọn lửa về vấn đề rủi ro hạt nhân. Quan điểm của chúng tôi bắt nguồn từ niềm tin, được tổng thống nhắc nhiều lần, rằng không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, tôi muốn cảnh báo không nên đánh giá thấp sự kiên nhẫn hoặc cam kết của chúng tôi trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia hợp pháp của chúng tôi bằng mọi biện pháp”, ông Lavrov nói thêm.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng chính Nga đã đưa vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân ra cộng đồng quốc tế.

“Theo sáng kiến của Nga vào năm 2021 – đầu tiên là trong các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden, và sau đó là giữa các nhà lãnh đạo của 5 cường quốc hạt nhân, các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – công thức Reagan – Gorbachev năm 1987 đã được tái khẳng định: trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, không có bên nào chiến thắng và không bao giờ được phép tiến hành. Đây là sáng kiến của Nga”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Theo ông Lavrov, “tất cả đề xuất khác, bao gồm các khái niệm về chiến tranh hạt nhân hoặc các tuyên bố tương tự, đều chỉ xuất phát từ các nước phương Tây”.

“Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức gần đây đã tuyên bố một cách đầy tự hào: “Đừng để Nga đe dọa chúng ta, nhưng hãy nhớ rằng NATO là một liên minh hạt nhân”. Mọi người đều nhớ lại bình luận của cựu Thủ tướng Anh Liz Truss, người trong nhiệm kỳ của mình đã công khai tuyên bố bà sẽ không ngần ngại nhấn nút bấm hạt nhân. Các quan chức Pháp cũng đã nhắc nhở cộng đồng toàn cầu rằng quốc gia của họ là một cường quốc hạt nhân”, nhà ngoại giao Nga giải thích thêm.

Ông Lavrov cũng nhấn mạnh, “mới đây, một tướng Lầu Năm Góc đã công khai đề xuất rằng, nếu cần thiết, có thể tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân hạn chế với Nga, đảm bảo chiến thắng trong quá trình này”.

“Chúng tôi đã trực tiếp yêu cầu họ làm rõ tuyên bố này thực sự ngụ ý điều gì vì nó do một quan chức Lầu Năm Góc đưa ra. Tuy nhiên, họ đã không đưa ra câu trả lời chắc chắn, thay vào đó cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của những phát ngôn như vậy bằng cách tuyên bố rằng nó hoàn toàn chỉ là lý thuyết và không phản ánh bất kỳ ý định nghiêm túc nào. Liệu một lời giải thích như vậy có thực sự đáng tin cậy khi do một quan chức quốc phòng cấp cao đưa ra không?”, ông Lavrov đặt câu hỏi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/11 đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, cho phép hạ ngưỡng răn đe hạt nhân để đáp trả một loạt các cuộc tấn công thông thường.

Theo phiên bản sửa đổi của học thuyết hạt nhân Nga, bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Nga từ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đều có thể được coi là “cuộc tấn công chung” và vượt qua ngưỡng hạt nhân.

Sự thay đổi này ngụ ý rằng các quy tắc mới của học thuyết hạt nhân có thể áp dụng cho một cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tiên tiến do Mỹ, Anh hoặc Pháp cung cấp.

Tổng thống Putin cảnh báo, Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân ngay khi nhận được “thông tin đáng tin cậy” về một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn hoặc cuộc không kích do một quốc gia khác tiến hành nhằm vào Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc sửa đổi học thuyết là cần thiết để phù hợp với bối cảnh chính trị hiện tại. Ông Peskov cũng lưu ý, các nhà lãnh đạo nước ngoài nên nghiên cứu kỹ học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga.

Theo: Dân Trí