Nga sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua nhiều tuyến đường khác nhau, không chỉ qua Ukraine, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm 25/12.
“Hiện tại, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, mặc dù châu Âu và các quốc gia châu Âu quan tâm đến điều này. Nhưng điều này chủ yếu phụ thuộc vào thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Kiev về khả năng trung chuyển khí đốt Nga.
Về phần mình, chúng tôi luôn tuyên bố rằng chúng tôi sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt không chỉ qua Ukraine mà còn có một số tuyến đường khác”, ông Novak nói trên kênh Rossiya 24.
Tới nay, ngoài đường ống qua Ukraine, Nga vẫn còn cấp khí đốt cho châu Âu qua tuyến Blue Stream và TurkStream (chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ), cũng như các chuyến hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Tình hình dự trữ khí đốt ở châu Âu đang căng thẳng dù có nguồn cung từ Nga và nếu không có nguồn cung này, tình hình sẽ càng khó khăn hơn, ông cảnh báo.
Trong 2-3 năm tới, Nga sẽ đạt mức tự chủ 90% trong việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị cho ngành công nghiệp dầu khí, ông Novak cho biết.
“Tôi nghĩ rằng trong 2-3 năm tới, nếu xét về công nghệ và thiết bị cho ngành công nghiệp dầu khí, chúng tôi sẽ đạt mức gần như 90% tự chủ”, ông Novak nói.
Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 1,2 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2024 và từ 1-1,5 triệu thùng vào năm 2025, theo quan chức Nga.
“Tình hình hiện nay ổn định và bình thường… Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy rằng năm nay nhu cầu trên thị trường thế giới sẽ tăng thêm 1,2 triệu thùng mỗi ngày và đạt 104,4 triệu thùng. Năm tới, chúng tôi ước tính mức tăng tương tự, từ 1 đến 1,5 triệu thùng mỗi ngày”, ông dự đoán.
Nga sẽ xuất khẩu 33 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm 2024. Nguồn cung khí đốt qua đường ống và LNG của Nga tới châu Âu đã tăng trung bình 18-20% trong năm 2024.
“Nếu nhìn vào khối lượng cung cấp khí đốt qua đường ống và LNG tới châu Âu, chúng cao hơn 18-20% so với năm ngoái… Trong 11 tháng, bất chấp các tuyên bố và áp lực trừng phạt, khoảng 50 tỷ m3 khí đốt đã được giao, vì khí đốt là sản phẩm thân thiện với môi trường, có nhu cầu cao. Xét về vận tải cung ứng và giá cả, khí đốt của Nga là lựa chọn có tính kinh tế cao nhất”, ông Novak nói.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói Kiev có thể xem xét tiếp tục trung chuyển khí đốt của Nga, nhưng chỉ với điều kiện là Moscow không nhận được thanh toán cho đến sau khi chiến sự kết thúc. Đây là điều kiện mà Moscow khó có thể chấp nhận.
Hồi giữa tháng, một quan chức cấp cao EU thừa nhận sau gần 3 năm cố gắng đoạn tuyệt với năng lượng Nga, Liên minh châu Âu đã chưa thể thực hiện được mục tiêu.
Theo Cơ quan Hợp tác và Quản lý Năng lượng châu Âu, thị phần LNG của Nga trên thị trường EU đã đạt 20% trong năm nay, bất chấp cam kết của Brussels sẽ ngừng tiêu thụ nhiên liệu của Nga vào năm 2027.
Theo: Dân Trí