Năm 2024 chứng kiến sự ra mắt của nhiều mẫu ô tô mới, hoặc nâng cấp, đa dạng về kiểu dáng, phân khúc và giá bán. Trong số đó, có những “tân binh” nhanh chóng hút khách như Mitsubishi Xforce, nhưng cũng có những sản phẩm gây tranh cãi sau khi ra mắt, như một số cái tên dưới đây.
Suzuki Jimny
Ngay sau khi được ra mắt vào đầu tháng 4, Suzuki Jimny gây tranh cãi khi sở hữu giá niêm yết lên tới 789 triệu đồng, tương đương một mẫu SUV hạng C như Hyundai Tucson (từ 769 triệu đồng). Tuy nhiên, kích thước của Jimny chỉ ngang xe hạng A (dài 3.480mm và rộng 1.645mm) và trang bị chỉ ở mức cơ bản.
Ở bên ngoài, Suzuki Jimny có đèn LED trước/sau, đèn sương mù halogen và mâm hợp kim 15 inch. Nội thất có thiết kế khá quen thuộc, giống mẫu Swift (đã bị ngừng kinh doanh) nhưng góc cạnh hơn.
Tiện nghi của xe chỉ có màn hình giải trí 10 inch (có kết nối điện thoại thông minh), điều hòa tự động 1 vùng và không có cửa gió cho hàng ghế sau. Dù sở hữu giá bán lên tới gần 800 triệu đồng nhưng Jimny chỉ có ghế nỉ và không có hệ thống trang bị an toàn, còn thua một mẫu xe hạng B như Honda City.
Do đó, Suzuki Jimny được xem là “xe ăn chơi”, không dành cho số đông. Thiết kế của mẫu xe này khá góc cạnh, phù hợp với những khách hàng ưa thích phong cách việt dã, quan tâm nhiều đến tính cá nhân hóa.
Trong thời gian đầu mở bán, Suzuki Jimny thậm chí còn bị “đội giá” 50 triệu đồng tại một số đại lý, do lượng xe được đưa về không nhiều. Dẫu vậy, vẫn có khách hàng sẵn sàng chi thêm để nhận xe sớm.
Đến tháng 8, “cơn sốt” của Suzuki Jimny kết thúc, giá xe về đúng mức niêm yết tại đại lý và dần có khuyến mại ở những tháng sau đó. Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân trí, có showroom chào khách mua Jimny với mức giá 715 triệu đồng vào cuối tháng 10, tức giảm 74 triệu đồng so với giá bán lẻ đề xuất.
Mitsubishi Triton 2024
Ra mắt khách Việt vào đầu tháng 9, thế hệ mới của Mitsubishi Triton từng tạo tranh cãi không nhỏ. Vóc dáng của mẫu bán tải này đã bề thế hơn, nhưng một số người dùng nhận định, thiết kế mới không bắt mắt bằng đời cũ.
Không gian nội thất của Triton 2024 tuy rộng rãi hơn nhưng bán kính vòng quay tối thiểu lại tăng lên mức 6,2m. Trong khi đó ở đời cũ, bán kính quay đầu của xe chỉ ở mức 5,9m, được xem là lợi thế khi đem lại khả năng xử lý linh hoạt hơn các đối thủ, như Ford Ranger với bán kính quay đầu lên tới 6,35m.
Cuối cùng, thiết kế mới của Mitsubishi Triton 2024 khiến phần lưng ghế của hàng ghế thứ 2 không có độ ngả sâu như đời cũ. Đây là yếu tố gây tranh cãi nhất, ngay từ khi mẫu bán tải này chưa được ra mắt.
Dù sở hữu nhiều điểm mới về trang bị và động cơ, nhưng sức tiêu thụ của Mitsubishi Triton 2024 lại chưa bứt phá như kỳ vọng của hãng xe Nhật Bản. Doanh số của mẫu bán tải này tăng 5,2% trong tháng 10, đạt 379 xe nhưng vẫn bị Ford Ranger bỏ xa (1.881 chiếc).
Trong tháng 11, Ranger tiếp tục tăng trưởng, trong khi Mitsubishi Triton và Toyota Hilux đều giảm tiêu thụ. Hilux, dù không được nhà phân phối ưu đãi 50% lệ phí trước bạ như Triton, nhưng vẫn bán được 339 xe, nhiều hơn 12 chiếc so với “đồng hương” Nhật Bản.
Hyundai Santa Fe 2024
Giữa tháng 9, Hyundai Santa Fe thế hệ mới chính thức được giới thiệu tới khách Việt. So với đời cũ, thiết kế nội/ngoại thất của mẫu crossover cỡ D này lột xác toàn diện, nhưng gây tranh cãi không nhỏ sau khi “lên kệ”.
Ngoại hình của Santa Fe mới hầm hố, góc cạnh và gây liên tưởng đến dòng Defender của Land Rover. Tuy nhiên, phần đuôi xe bị người dùng đánh giá là kém hấp dẫn, thiếu điểm nhấn và không phù hợp với phần đầu.
Bên cạnh đó, thế hệ mới của mẫu xe Hàn Quốc còn loại bỏ tùy chọn động cơ dầu tương tự xe tại thị trường quốc tế, chỉ còn tùy chọn máy xăng. Tại Việt Nam, động cơ dầu vẫn được khách Việt ưa chuộng nhờ tính kinh tế và hiệu suất vận hành.
Dù bị “chê” nhưng thực tế, sức tiêu thụ của Hyundai Santa Fe vẫn liên tục tăng trưởng trong tháng 10 và 11, doanh số lần lượt đạt 1.007 xe và 1.206 chiếc. Đây chính là tín hiệu tích cực, giúp mẫu xe Hàn Quốc củng cố vị trí thứ 2 trong phân khúc D-SUV.
Subaru Crosstrek
Được “vén màn” trong khuôn khổ Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) 2024, Subaru Crosstrek không thu hút được sự quan tâm của người dùng như kỳ vọng của nhà phân phối. Nguyên nhân chính là do mẫu xe này có giá bán lẻ đề xuất lên tới 1,268 tỷ đồng dù nằm ở phân khúc SUV cỡ B+, tạo tranh cãi không nhỏ.
Đối thủ trực tiếp của Subaru Crosstrek là Toyota Corolla Cross đang có giá cao nhất chỉ tới 905 triệu đồng. Với tầm tiền lên tới 1,2 tỷ đồng, khách Việt có thể mua được SUV hạng D, như Ford Everest (từ 1,099 tỷ đồng) hay Hyundai Santa Fe (từ 1,065 tỷ đồng).
Dù sở hữu giá bán lên tới 1 tỷ đồng nhưng trang bị của Subaru Crosstrek không thực sự vượt trội so với đối thủ. Xe có điểm nhấn là hệ thống an toàn chủ động EyeSight và hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian đối xứng S-AWD, nhưng điểm trừ là việc khuyết thiếu cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau.
Kể từ khi ra mắt đến nay, Subaru Crosstrek vẫn luôn được giảm 99 triệu đồng tại đại lý, cho cả 2 phiên bản. Theo đó, bản thuần xăng được hạ giá xuống 999 triệu đồng; biến thể mild-hybrid giảm giá còn 1,169 tỷ đồng.
Wuling Bingo
Lần đầu lộ diện tại Việt Nam vào cuối tháng 6 nhưng phải đến đầu tháng 11, Wuling Bingo mới chính thức được ra mắt người tiêu dùng. Mẫu xe điện Trung Quốc này gây tranh cãi khi “kén sạc” tại Việt Nam.
Cụ thể, Bingo có cổng sạc nhanh (DC) nhưng lại theo tiêu chuẩn GB/T của Trung Quốc, trong khi các trạm sạc tại Việt Nam đang sử dụng cổng CCS2 theo tiêu chuẩn châu Âu. Người dùng cần chuẩn bị một bộ chuyển đổi (adapter) từ GB/T sang CCS2 nếu muốn sử dụng tính năng sạc nhanh của xe.
TMT Motors cho biết sẽ mở bán bộ chuyển đổi này nhưng chưa có giá chính thức. Trong khi đó trên thị trường, thiết bị này có giá dao động 20-30 triệu đồng tùy loại. Nếu không sử dụng sạc nhanh, người dùng chỉ có thể cắm sạc chậm (AC) thông qua nguồn điện dân dụng tại nhà.
Theo: Dân Trí