Mỹ hủy treo thưởng 10 triệu USD cho việc bắt giữ thủ lĩnh đối lập Syria

Mỹ hủy treo thưởng 10 triệu USD cho việc bắt giữ thủ lĩnh đối lập Syria - 1

Ông Ahmed al-Sharaa, còn được biết tới với tên gọi Abu Mohammed al-Jolan (Ảnh: AFP).

Thông tin trên được đưa ra sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà ngoại giao Mỹ và lãnh đạo HTS. 

Bà Barbara Leaf, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ phụ trách Trung Đông, cho biết ông Sharaa đã đưa ra cam kết trong cuộc gặp tại Damascus rằng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm khủng bố khác sẽ không được phép hoạt động trên lãnh thổ Syria.

Theo bà Leaf, phái đoàn Mỹ đã thông báo với thủ lĩnh HTS al-Sham, từng được biết đến với bí danh Abu Mohammed al-Jolani, rằng Washington sẽ không còn đưa ra khoản tiền thưởng 10 triệu USD cho việc bắt giữ ông ta, đồng thời nhấn mạnh rằng khoản tiền thưởng này sẽ gây cản trở cho nỗ lực đàm phán với thủ lĩnh HTS.

Đi cùng bà Leaf tới Damascus là đặc phái viên của tổng thống về vấn đề con tin, ông Roger Carstens, và ông Daniel Rubinstein, cố vấn cấp cao phụ trách xử lý mối quan hệ giữa Mỹ với lực lượng mới đang điều hành Syria.

Bà Leaf cho rằng sự sụp đổ của chính quyền Assad sẽ đánh dấu sự kết thúc ảnh hưởng của Iran ở Syria.

“Điều mà chính phủ chúng tôi mong muốn là một Syria có thể đứng vững trên đôi chân của mình, có thể khôi phục toàn vẹn quyền tự chủ trong các vấn đề nội bộ, giống nước láng giềng Iraq”, bà Leaf nói.

Các nhà ngoại giao đã đặt ra câu hỏi về tung tích của Austin Tice, một nhà báo người Mỹ đã mất tích ở Syria vào năm 2012, cũng như Majd Kamalmaz, một nhà tâm lý trị liệu người Mỹ gốc Syria, và những công dân Mỹ khác đã mất tích trong thời gian ông Assad nắm quyền. Kể từ khi đóng cửa đại sứ quán vào năm 2012, Mỹ đã không có quan hệ ngoại giao với Syria.

Một vấn đề khác được thảo luận tại Damascus vào hôm qua 20/12 là tương lai của người Kurd ở Syria – những đồng minh lâu năm của Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) trong khu vực.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao xác nhận rằng “yêu cầu cấp thiết” của cuộc chiến chống IS đã được thảo luận, nhưng không cung cấp thêm chi tiết cụ thể.

Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ trong NATO, đã kêu gọi các cường quốc bên ngoài cắt giảm hỗ trợ cho lực lượng dân quân người Kurd ở miền bắc Syria, Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) – lực lượng chủ chốt trong liên minh chống IS, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn.

Hôm 19/12, Lầu Năm Góc tiết lộ rằng có 2.000 quân Mỹ ở Syria, gấp hơn hai lần so với con số được thông báo trước đó. Bộ Quốc phòng cho biết sự gia tăng hiện diện quân sự chỉ là tạm thời và đã diễn ra trong những tháng gần đây.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đặt câu hỏi về lý do tại sao Mỹ cần duy trì sự hiện diện tại Syria. Vào năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã ra lệnh rút quân Mỹ khỏi Syria, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Lầu Năm Góc và các cơ quan an ninh tại Washington.

Cuối cùng, sự hiện diện hạn chế của Mỹ vẫn được duy trì trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền Assad sụp đổ, ông Trump đã kiên quyết cho rằng Mỹ không nên có vai trò gì. Ông viết trên mạng xã hội: “Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta”

Theo: Dân Trí