Tại Hội nghị tế bào gốc thường niên lần thứ 13, diễn ra ngày 6/12 tại TPHCM, Phó giáo sư Trần Công Toại, Chủ tịch Hội Tế bào gốc TPHCM, cho biết hội nghị năm nay có chủ đề “Tế bào gốc trong trị liệu và chống lão hóa”.
Hội thảo lần này có 4 phiên, tập trung vào các nội dung như vấn đề pháp lý của tế bào gốc, ứng dụng tế bào gốc trong thẩm mỹ, chống lão hóa và tái tạo… Hội thảo có các chuyên gia đến từ Việt Nam, Ý, Canada, Trung Quốc… đến dự và chia sẻ.
Do đó, hoạt động này không chỉ đóng góp ở mặt chuyên môn mà còn tạo ra cầu nối hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và quốc tế.
Phó giáo sư Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chia sẻ tế bào gốc đã và đang mở ra những triển vọng to lớn trong y học hiện đại, từ trị liệu các bệnh lý phức tạp, tái tạo mô đến ứng dụng trong các lĩnh vực.
TPHCM đã tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy nghiên cứu lĩnh vực tế bào gốc. Những bước tiến này không chỉ phục vụ cho sự phát triển của ngành y tế, mà còn góp phần nâng cao vị thế của TPHCM trên bản đồ khoa học quốc tế.
Hội nghị nêu trên không thuần túy với những bài báo cáo khoa học, mà còn có những phiên thảo luận về góc độ pháp lý, quản lý đến ứng dụng thực tiễn, để làm sao phát triển lĩnh vực tế bào gốc đúng hướng, mạnh mẽ nhất.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh việc cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật trong nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng tế bào gốc, phải tuân theo các quy định của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là đảm bảo an toàn, minh bạch và đạo đức trong y học.
Các nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc không chỉ hướng đến sự đổi mới, mà còn phải gắn liền với trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội.
Chia sẻ về các ứng dụng của tế bào gốc thời điểm hiện tại, bác sĩ Phan Thanh Hào, Chủ tịch Chi hội Tế bào gốc chống lão hóa, Hội Tế bào gốc TPHCM cho biết, tế bào gốc được ứng dụng trong điều trị thẩm mỹ da và tóc.
Các minh chứng khoa học trong các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng đã xác định được tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng exosome từ tế bào gốc trung mô để điều trị nhiều bệnh lý và các liệu pháp thẩm mỹ da và tóc.
Tiến sĩ Trịnh Như Thùy, người có hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực tế bào gốc và y học tái tạo, chia sẻ thêm rằng việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 đang rất được quan tâm tại Việt Nam và trên thế giới.
Gần đây, các tế bào gốc vạn năng (iPSC) được chỉnh sửa di truyền và việc cấy ghép tế bào gốc trung mô (MSC) cùng với các tế bào đảo tụy đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện hiệu quả của quá trình cấy ghép tế bào gốc, giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
Những tiến bộ này có thể đưa đến các giải pháp sử dụng tế bào gốc như một tác nhân trị liệu để chữa bệnh đái tháo đường hoặc các biến chứng của bệnh, cũng như là nguồn tế bào gốc tiềm năng cho y học ngăn ngừa và tái tạo.
Theo: Dân Trí