Chứng khoán cuối năm thận trọng, vẫn có mã tăng hơn 60%

Một số cổ phiếu nhỏ tăng mạnh dù VN-Index mất hỗ trợ kỹ thuật

Trong tuần giao dịch vừa qua (16-20/12), thị trường giằng co song có sự đi xuống cả về điểm số lẫn thanh khoản.

VN-Index điều chỉnh nhẹ 0,4% so với cuối tuần trước, đóng cửa tuần tại 1.257,5 điểm và qua đó xuyên thủng hỗ trợ mạnh 1.260 điểm (tương ứng MA200 – đường trung bình động 200 ngày). Thanh khoản thấp với khối lượng khớp lệnh trung bình trên HoSE là 584,2 triệu đơn vị/phiên, giảm 4% so với tuần trước. Khối ngoại bán ròng hơn 1.324 tỷ đồng trên sàn này, ghi nhận chuỗi bán ròng 3 tuần liên tiếp.

Trên sàn HoSE, cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 là mã tăng mạnh nhất với 4 phiên kịch biên độ. Mã này tăng 29,25% trong tuần từ mức 14.700 đồng lên 19.000 đồng thời điểm đóng cửa tuần.

Chứng khoán cuối năm thận trọng, vẫn có mã tăng hơn 60% - 1

VN-Index đã về dưới đường trung bình động 200 ngày (Ảnh minh họa: Hải Long).

Thanh khoản tại YEG cũng tăng vọt, khớp lệnh trung bình trong tuần đạt 5,2 triệu đơn vị/phiên. Đặc biệt là ở phiên 19/12, giao dịch tại YEG lập đỉnh với tổng khối lượng 14,37 triệu đơn vị, trong đó khớp lệnh 13,57 triệu đơn vị.

Sự hưng phấn tại YEG sau khi Yeah1 tổ chức thành công chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” và có 2 concert thu hút lượng lớn khán giả tại TPHCM và Hưng Yên.

Bên cạnh YEG, một số mã khác cũng đạt được mức tăng giá mạnh trong tuần vừa rồi là FDC với mức tăng 21,28%; HVH với mức tăng 20,43%; SAM tăng 14,84%; ICT tăng 14,63%; SGT tăng 13,95%; TDH tăng 12,26%; PJT tăng 12% và GEE tăng 11,56%.

Chiều ngược lại, cổ phiếu RYG của Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia giảm mạnh nhất với mức thiệt hại 13,53%. Mã này vừa mới lên sàn ngày 12/12. Cổ phiếu VCA của Công ty cổ phần Thép Vicasa-Vnsteel dù có phiên 19/12 hồi phục tăng trần nhưng vẫn ghi nhận mức thiệt hại 13,41% do bị bán tháo các phiên trước đó. VAF, PSH, AGM, DIG, HRC, TTE, APG là những mã có mức giảm mạnh trên HoSE tuần qua.

Dù vậy, do vốn hóa của các mã kể trên khiêm tốn nên không tác động mạnh lên chỉ số. Mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là TCB và VCB khi lần lượt lấy đi của chỉ số 0,8 và 0,9 điểm. VPB, SSB, ACB, MBB cùng các mã bluechip như HPG, GVR, VJC, BVH cũng góp phần khiến VN-Index điều chỉnh.

Chiều ngược lại, HVN của Vietnam Airlines đóng góp đáng kể nhất cho VN-Index, mang lại gần 1,6 điểm cho chỉ số. HVN tăng 7,13% trong tuần chủ yếu nhờ phiên tăng trần ở ngày 20/12 nhờ triển vọng thoát lỗ năm 2024. Kế đến là các mã khác gồm VNM, KDH, GEE.

Trên sàn HNX và UPCoM, do biên độ dao động giá rộng hơn nên tổng mức tăng giảm trong tuần của các cổ phiếu cũng lớn hơn HoSE. VMC là cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX với mức tăng 47,89%, kế đến là KSV với mức tăng 34,59%; DST tăng 24,39%; PGN tăng 22,73%. Tại sàn UPCoM, TSJ tăng mạnh nhất, đạt 61,02%. HNG của Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai cũng tăng mạnh, đạt mức 18,87% với thanh khoản cao.

Chỉ số chưa phản ánh hết áp lực mà nhà đầu tư phải chịu đựng

Theo đánh giá của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDirect, mặc dù VN-Index chỉ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ 0,4% trong tuần giao dịch vừa qua, nhưng áp lực trong thực tế mà giới đầu tư chứng khoán phải trải qua lớn hơn nhiều so với con số khiêm tốn đó.

Việc Fed đưa ra lộ trình giảm lãi suất “thận trọng hơn” trong năm tới đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, đẩy chỉ số đo lường mức độ sợ hãi (VIX) tăng vọt trong phiên ngày 18/12 lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 11.

Thị trường chứng khoán Mỹ do đó điều chỉnh mạnh và việc dòng tiền tìm nơi trú ẩn khiến chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) tăng vọt vượt mốc 108.

Những yếu tố trên đã gây sức ép lên tỷ giá trong nước, khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vượt mốc “can thiệp” và buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán ra khoảng 2 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá. Diễn biến này khiến tâm lý của giới đầu tư chứng khoán trong nước chịu nhiều áp lực và chỉ số VN-Index lùi về sát vùng hỗ trợ 1.250 điểm.

Tuy nhiên, theo ông Hinh, điểm tích cực là áp lực bán “không quá mạnh” và việc dòng tiền bắt đáy nhập cuộc đã giúp VN-Index giữ vững vùng hỗ trợ trên.

Bước sang tuần giao dịch mới, ông Hinh dự báo, thị trường tài chính quốc tế có thể diễn biến tích cực hơn khi những thông tin tiêu cực đã được phản ánh phần lớn vào giá, đặc biệt là việc Fed thận trọng hơn về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025 do những bất định trong chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Trump.

Đáng chú ý, thị trường cũng đón nhận một vài thông tin tích cực hơn trong ngày cuối tuần, bao gồm việc thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed là chỉ số PCE (chi tiêu tiêu dùng cá nhân) chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ, đều thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo, cho thấy xu hướng lạm phát vẫn đang hạ nhiệt.

Đồng thời, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn Chính phủ Mỹ đóng cửa vào phút cuối cũng giúp giảm thiểu rủi ro bất ổn, kéo chỉ số VIX giảm mạnh trong phiên cuối tuần.

“Tôi kỳ vọng việc thị trường tài chính toàn cầu bình ổn hơn sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi. Chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng quanh 1.270 điểm”, vị chuyên gia nhận định.

Đồng thời, ông cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dùng nhịp phục hồi để tái cơ cấu danh mục đầu tư, hạ bớt tỷ trọng đòn bẩy nếu đang ở mức cao. Song song với đó, nhà đầu tư cần xây dựng danh mục đầu tư xoay quanh các nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và triển vọng kinh doanh cải thiện.

Ở góc nhìn khác, các chuyên gia tại Chứng khoán MBS cho rằng, chỉ số VN-Index tuy giảm 2 tuần liên tiếp nhưng biên độ khá hẹp và mức giảm cũng tương đối nhẹ so với chứng khoán thế giới dù chịu tác động từ phiên giảm 19/12 sau cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của Fed trong năm nay.

Tín hiệu này cho thấy trong bối cảnh dòng tiền trong nước khá thận trọng ở tuần có nhiều sự kiện tác động, thị trường vẫn có sức chống đỡ khá tốt từ tác động ngoại biên với sự khác biệt nằm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (smallcap).

Chỉ số VN-Index hiện đã lùi xuống dưới các ngưỡng trung bình hay được theo dõi như MA200, MA100, do vậy yếu tố kỹ thuật để kéo dòng tiền trở lại khi chỉ số này vượt ngưỡng 1.260 điểm hoặc trong kịch bản thận trọng là lùi lại vùng hỗ trợ 1.240-1.243 điểm.

Nhóm phân tích dự báo, tuần cuối cùng của năm, thị trường đặt nhiều kỳ vọng sẽ có hiệu ứng chốt NAV hoặc một số thông tin vĩ mô có sớm sẽ là nhân tố hỗ trợ nhưng biên độ tăng có thể không bằng cổ phiếu ở nhóm Smallcap.

Theo: Dân Trí