Ukraine nêu khả năng đàm phán chấm dứt xung đột với Nga

Ukraine nêu khả năng đàm phán chấm dứt xung đột với Nga - 1

Binh lính tham gia chiến dịch quân sự của Nga (Ảnh: Sputnik).

“Chúng tôi thừa nhận rằng các cuộc đàm phán là không thể tránh khỏi và Ukraine phải kiên quyết trong các cuộc đàm phán này”, Sergey Leshchenko, cố vấn của người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, cho biết trên sóng phát thanh của một chương trình từ thiện của Ukraine.

“Chúng tôi thừa nhận Mỹ đã trải qua những thay đổi đáng kể, điều này đòi hỏi chúng tôi phải sẵn sàng đối thoại”, ông Leshchenko nói thêm.

“Khi ông Trump tranh cử, ông đã cam kết chấm dứt cuộc chiến này. Bây giờ, ông sẽ đánh giá xem ai sẵn sàng cho một giải pháp như vậy”, quan chức Ukraine nói thêm.

Đồng thời, ông Leshchenko làm rõ rằng “sẽ không có sự lặp lại của các thỏa thuận Minsk hoặc Istanbul”, nghĩa là sẽ không có thỏa thuận nào giống với các thỏa thuận Minsk năm 2015 hoặc các cuộc đàm phán Istanbul vào mùa xuân năm 2022.

Ra đời năm 2015, Thỏa thuận Minsk được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến sự miền Đông Ukraine và tháo ngòi căng thẳng giữa Nga – Ukraine. Điều khoản cốt lõi của Thỏa thuận Minsk là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến. 

Theo giải thích của Nga, Thỏa thuận Minsk buộc chính quyền Kiev phải sửa đổi về luật và hiến pháp, mở đường cho phép các lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donbass có đại diện trong chính quyền Ukraine. Tuy vậy, Moscow cho rằng, việc Nga công nhận độc lập cho Donbass và sáp nhập vùng lãnh thổ này là kết quả trực tiếp của việc Ukraine thất bại trong thực thi Thỏa thuận Minsk.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) giữa phái đoàn Nga và Ukraine vào tháng 3/2022 đã đưa ra một dự thảo hòa bình. Theo thỏa thuận ngừng bắn được đề xuất, Ukraine sẽ từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO và chấp nhận giới hạn lực lượng vũ trang của mình để đổi lấy sự đảm bảo an ninh quốc tế, bao gồm cả từ Nga.

Tuy nhiên, Kiev đã hủy bỏ dự thảo thỏa thuận này vào phút chót, rút khỏi đàm phán với Nga. Phía Nga cho rằng, Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động quân sự, và bất kỳ giải pháp khả thi nào cho cuộc xung đột sẽ phải giải quyết cả hai vấn đề.

Báo Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ ngày 23/12 cho biết, việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ đang làm thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Quan chức này cho biết, giới chức Ukraine bắt đầu tin rằng cuộc chiến với Nga sẽ được giải quyết trong năm 2025.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump khẳng định có khả năng sẽ chấm dứt xung đột trong vòng một ngày sau khi nhậm chức, mặc dù ông thừa nhận thực tế có thể mất nhiều thời gian hơn.

Tổng thống đắc cử Mỹ tiết lộ rất ít chi tiết về kế hoạch của ông để đạt được thỏa thuận hòa bình Nga – Ukraine. Tuy nhiên, các thông tin rò rỉ trên phương tiện truyền thông và bình luận từ các cố vấn thân cận nhất của ông cho thấy ông sẽ tìm cách đóng băng xung đột dọc theo chiến tuyến hiện tại, sử dụng đòn bẩy viện trợ quân sự của Mỹ buộc Ukraine đàm phán với Nga.

Kể từ năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky luôn khẳng định không thể thỏa hiệp với Nga và đàm phán hòa bình chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân, khôi phục lại đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh. Moscow đã bác bỏ các đề xuất mà họ cho là “phi thực tế” này.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine gần đây không nói về “chiến thắng”, thay vào đó tuyên bố rằng ông muốn một “hòa bình công bằng” cùng với sự đảm bảo an ninh từ phương Tây dưới hình thức thành viên NATO. Ông Zelensky cũng để ngỏ kịch bản các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát có thể khôi phục sau này thông qua con đường ngoại giao.

Về phía Nga, giới chức nước này tuyên bố, bất cứ giải pháp nào đều phải bắt đầu bằng việc Ukraine ngừng chiến dịch quân sự, thừa nhận thực tế về lãnh thổ hay công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga. Điện Kremlin cũng nhấn mạnh, Nga phải đạt mọi mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự, bao gồm yêu cầu Ukraine “trung lập, phi quân sự hóa, phi phát xít hóa”.

Theo: Dân Trí