Nga lên tiếng về triển vọng chấm dứt xung đột với Ukraine trong năm 2025

Nga lên tiếng về triển vọng chấm dứt xung đột với Ukraine trong năm 2025 - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: TASS).

 “Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh chúng tôi sẵn sàng giải quyết những khác biệt thông qua đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, do Ukraine hiện từ chối tham gia đàm phán nên chúng tôi tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/12 cho biết.

Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là chúng tôi phải đạt được tất cả các mục tiêu nhằm đảm bảo an ninh cho đất nước”.

Bình luận được đưa ra sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định xung đột Nga – Ukraine có thể kết thúc vào năm sau cho dù thông qua đàm phán hay biện pháp quân sự.

“Xung đột sẽ kết thúc vào năm 2025 thông qua đàm phán hòa bình hoặc một bên tham chiến bị phá hủy”, ông Orban nói.

Thủ tướng Orban tin rằng sau khi xung đột Nga – Ukraine kết thúc, các nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là Hungary, sẽ lại “tận hưởng thành công kinh tế to lớn”.

Chiến sự Nga – Ukraine sắp bước sang năm thứ 4. Nhiều người hy vọng hai bên có thể ngồi vào bàn đàm phán trong tương lai gần sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 tới.

Ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ bằng cách gây sức ép buộc Moscow, Kiev ngồi vào bàn đàm phán.

Giới quan sát hoài nghi và bản thân ông Trump cũng thừa nhận quá trình giải quyết xung đột Ukraine thực tế có thể phức tạp hơn, lâu hơn so với tuyên bố của ông.

Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường và tiếp tục giữ lập trường về các điều kiện chấm dứt xung đột.

Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko hôm 24/12 cho rằng, các cuộc đàm phán về giải quyết xung đột Ukraine chắc chắn bắt đầu vào năm tới nhưng sẽ không dễ dàng.

Bà cho biết, Nga sẵn sàng thỏa hiệp nhưng vẫn phải dựa trên các điều khoản chính mà Moscow đưa ra, thỏa thuận sơ bộ ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Bà nhấn mạnh đến các điều khoản mà Tổng thống Putin nêu ra hồi tháng 6, trong đó có yêu cầu Kiev cam kết trung lập, công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

“Chúng tôi sẽ không chấp nhận dù chỉ chệch một ly. Chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán bất cứ lúc nào. Nhưng những gì chúng tôi đã trải qua với Thỏa thuận Minsk sẽ không lặp lại”, bà nhấn mạnh.

Các thỏa thuận Minsk đã được Nga và Ukraine ký kết vào năm 2014 và 2015 với vai trò trung gian của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức. Chúng nhằm giải quyết căng thẳng sau cuộc đảo chính Maidan do phương Tây hậu thuẫn nhằm lật đổ chính phủ ở Kiev. Moscow cáo buộc Ukraine và phương Tây đã không tuân thủ thỏa thuận, thay vào đó  lợi dụng chúng để “câu giờ” cho Kiev tái vũ trang.

Nói về lập trường giải quyết xung đột Ukraine, Đặc phái viên về Ukraine của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, ông Keith Kellogg, cho biết ông Trump muốn đạt được một thế giới hòa bình và công bằng ở Ukraine. Ông nói thêm rằng ông không muốn quá trình giải quyết diễn ra giống các thỏa thuận Minsk.

Theo: Dân Trí