Văn học như một diễn ngôn (Lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault và văn học sử Việt Nam) là công trình nghiên cứu chi tiết, công phu, hệ thống nhằm cung cấp một hướng tiếp cận văn học mới của PGS.TS Trần Văn Toàn. Được biết, tác phẩm được nghiên cứu trong vòng 17 năm.
Trong công trình, tác giả tập trung nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp khoa học của Foucault, nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà sử học, nhà văn, nhà phê bình văn học người Pháp nổi tiếng.
Tác phẩm cũng mô tả lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault với những công cụ và thao tác nghiên cứu chuyên biệt. Đặc biệt, phần thực hành tập trung đi sâu nghiên cứu một số diễn ngôn trong văn học Việt Nam hiện đại.
Công trình được cấu trúc thành ba phần chính:
– Phần một: Lí thuyết diễn ngôn và nghiên cứu văn học – những vấn đề lí thuyết: Dựng lại chân dung học thuật của Foucault và cung cấp một khung lí thuyết về phân tích diễn ngôn nói chung cũng như thảo luận về mối quan hệ giữa phân tích diễn ngôn và nghiên cứu văn học.
– Phần hai: Lí thuyết diễn ngôn và những vấn đề văn học sử Việt Nam: Đi sâu phân tích tương quan quyền lực/tri thức giữa chủ thể thuộc địa và chủ thể thực dân; phân tích tương quan quyền lực về giới tính và những hệ quả trong đời sống văn học từ trung đại đến 1945; đặt vấn đề về thiết chế văn học và những tác động của nó đến hoạt động sáng tác trong lịch sử văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại.
– Phần ba: Những sắc màu diễn ngôn với 9 bài viết độc lập, các bài viết trải rộng trên nhiều lĩnh vực, đề tài. Các thao tác, khái niệm công cụ của phân tích diễn ngôn trong những bài viết này được sử dụng đan cài với các thao tác, kĩ năng phân tích văn học khác.
Văn học như một diễn ngôn (Lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault và văn học sử Việt Nam) được xuất bản nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học trong trường đại học và trường phổ thông. Đây sẽ là tài liệu nghiên cứu hữu ích, mở ra nhiều hướng nghiên cứu không chỉ trong lĩnh vực văn học mà còn trong các lĩnh vực khoa học khác bởi lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault “không chỉ dành riêng cho văn học”.
Đánh giá về cuốn sách, GS.TS.NGND Trần Đình Sử cho hay, Văn học như một diễn ngôn (Lí thuyết diễn ngôn của M. Foucault và văn học sử Việt Nam) của PGS.TS Trần Văn Toàn là một đóng góp quý báu không chỉ cho ngành nghiên cứu văn học Việt Nam, cho các nhà văn học sử, mà còn cho lí thuyết văn học.
Cùng với lí thuyết là phần thực hành bằng những nghiên cứu trường hợp về một số diễn ngôn trong văn học Việt Nam lí thú và hấp dẫn được tác giả nghiền ngẫm, khảo cứu trong một thời gian dài.
Các vận dụng đó không chỉ tìm cách diễn giải mới về một số hiện tượng của văn học Việt Nam, mà còn hướng tới giải quyết một số vấn đề của lịch sử văn học Việt Nam như phụ đề của tác phẩm, chứng tỏ đây là một công trình lí thuyết hướng vào văn học sử hiện đại.
PGS.TS La Khắc Hòa chia sẻ: “Không có lí thuyết vạn năng. Hệ thống lí thuyết nào cũng chỉ mở ra cho nhà nghiên cứu một khoảng thấy nào đó trước đối tượng.
Dựa hẳn vào triết học văn hóa của M. Foucault để phân tích diễn ngôn văn học Việt Nam, chuyên luận của Trần Văn Toàn khó vượt ra ngoài những giới hạn riêng của nó.
Nhưng chắc chắn tác phẩm vẫn là tiếng nói chưa có tiền lệ, một tiếng nói hấp dẫn, mới mẻ, đầy tinh thần cách tân, góp phần mở rộng biên độ các giá trị, đưa khoa học văn học Việt Nam hòa nhập với khoa học nhân văn của thế giới.
Theo: Dân Trí