Ăn hoa quả, rau xanh có giúp làm loãng nồng độ cồn?

Ăn hoa quả, rau xanh có làm loãng nồng độ cồn?

Trong các buổi tiệc tùng hay họp mặt bạn bè, rượu bia dường như là thức uống không thể thiếu. Tuy nhiên, sau những cuộc vui ấy, không ít người phải đối mặt với cảm giác mệt mỏi, đau đầu, nôn nao, thậm chí kiệt sức.

Một số người thường ăn rau xanh, trái cây hoặc uống nước ép với hy vọng làm loãng nồng độ cồn, giúp tỉnh táo nhanh hơn. Vậy phương pháp này có thực sự hiệu quả hay chỉ là một mẹo dân gian không có căn cứ khoa học?

Ăn hoa quả, rau xanh có giúp làm loãng nồng độ cồn? - 1

Càng về cuối năm, các cuộc hội hè lại càng nhiều (Ảnh: Minh Nhật).

Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, đây không phải là cách “giải rượu” thần kỳ nhưng có thể mang lại những lợi ích nhất định cho cơ thể.

Cơ chế chuyển hóa cồn trong cơ thể

Theo BS Mạnh, khi rượu bia được đưa vào cơ thể, cồn (ethanol) nhanh chóng được hấp thụ qua niêm mạc dạ dày và ruột non, sau đó đi vào máu và được chuyển hóa chủ yếu tại gan.

Quá trình này phụ thuộc vào hai enzym quan trọng: Alcohol Dehydrogenase (ADH) và Aldehyde Dehydrogenase (ALDH). Enzym ADH chuyển hóa cồn thành acetaldehyde – một chất độc mạnh hơn ethanol.

Ăn hoa quả, rau xanh có giúp làm loãng nồng độ cồn? - 2

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Tiếp theo, ALDH chuyển acetaldehyde thành acetic acid (axit axetic), rồi được phân hủy thành nước và CO₂ để đào thải qua hơi thở, nước tiểu và mồ hôi.

Tuy nhiên, gan chỉ có thể xử lý một lượng cồn nhất định trong một giờ (khoảng 7-10g cồn, tương đương một ly nhỏ bia hoặc rượu vang). Phần cồn chưa được chuyển hóa sẽ lưu lại trong máu, làm tăng nồng độ cồn trong máu (BAC). Đây chính là lý do khiến bạn cảm thấy say hoặc mệt mỏi khi uống quá nhiều rượu bia trong thời gian ngắn.

Ăn rau xanh, trái cây: Giải pháp hỗ trợ, không phải thần dược

Theo BS Mạnh, việc ăn rau xanh, trái cây hoặc uống nước ép sau khi uống rượu bia không có tác dụng “giải rượu” hay làm giảm nồng độ cồn trong máu ngay lập tức.

Ăn hoa quả, rau xanh có giúp làm loãng nồng độ cồn? - 3

Rau xanh chỉ mang tính chất hỗ trợ, không thể giải rượu ngay lập tức (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, những thực phẩm này có thể hỗ trợ cơ thể phục hồi và giảm cảm giác mệt mỏi nhờ bổ sung nước, vitamin và chất điện giải. Rượu bia có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể mất nước nhanh chóng, dẫn đến tình trạng khô miệng, đau đầu và uể oải.

“Việc bổ sung các loại nước ép, rau xanh hoặc trái cây giàu nước giúp cơ thể bù đắp lượng nước đã mất, đồng thời kích thích thận đào thải cồn qua nước tiểu.

Một số loại trái cây họ cam, quýt như cam, bưởi, chanh rất giàu vitamin C, giúp tăng cường chức năng gan và giảm căng thẳng oxy hóa do acetaldehyde gây ra.

Ngoài ra, nước ép từ rau má, rau diếp cá cũng mang lại hiệu quả làm mát gan và bổ sung các khoáng chất thiết yếu, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn”, BS Mạnh thông tin.

Thực phẩm giàu carbohydrate như bánh mì, cơm hoặc khoai lang có thể hấp thụ một phần cồn trong dạ dày, làm chậm tốc độ hấp thụ vào máu, từ đó giảm tác động của rượu bia lên cơ thể. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ mang tính hỗ trợ và không thể loại bỏ hoàn toàn cồn ra khỏi cơ thể.

Không phải ai cũng phù hợp

Dù rau xanh, trái cây hay nước ép mang lại lợi ích, không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp này một cách tùy tiện.

“Với những người bị viêm loét dạ dày, việc kết hợp rượu bia với các loại trái cây giàu axit như cam, chanh, quýt có thể làm tổn thương thêm niêm mạc dạ dày, gây đau rát hoặc khó chịu. Trong trường hợp này, nước dừa hoặc các loại nước ép nhẹ nhàng hơn như nước ép cà chua là lựa chọn an toàn.

Ngoài ra, không nên uống một lượng lớn nước trong thời gian ngắn sau khi uống rượu. Việc bổ sung nước quá nhanh có thể dẫn đến rối loạn điện giải, khiến cơ thể mệt mỏi hơn. Nên uống nước từ từ, từng ngụm nhỏ, và lắng nghe cơ thể để tránh gây áp lực cho thận”, BS Mạnh phân tích.

Không có cách giải rượu ngay lập tức

Theo BS Mạnh, dù có nhiều mẹo dân gian được lan truyền như uống nước chanh, nước gừng hay nước mật ong, thực tế không có phương pháp nào có thể loại bỏ hoàn toàn cồn khỏi cơ thể trong thời gian ngắn.

Quá trình chuyển hóa và đào thải cồn phụ thuộc vào chức năng gan và tốc độ tự nhiên của cơ thể. Do đó, các biện pháp ăn uống chỉ mang tính hỗ trợ, giúp giảm triệu chứng khó chịu sau khi uống rượu bia.

“Điều quan trọng nhất là kiểm soát lượng rượu bia tiêu thụ, uống có chừng mực và hiểu rõ giới hạn của bản thân. Sức khỏe là tài sản quý giá nhất, và những cuộc vui tạm thời không đáng để bạn đánh đổi sự an toàn của mình. Hãy uống có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe lâu dài”, BS Mạnh khuyến cáo.

Theo: Dân Trí