Báo Economist ngày 23/12 dẫn nguồn thạo tin cho hay, Ukraine đang thực hiện hơn 10 dự án tên lửa, một số trong đó đã ở giai đoạn cuối. Quân đội Ukraine có kế hoạch sản xuất hàng loạt 3.000 tên lửa hành trình vào cuối năm 2025.
Một trong những dự án trọng điểm là tên lửa Trembita. Phiên bản cơ bản của tên lửa hành trình này có thể đạt tốc độ lên tới 400km/h và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 200km.
Một phiên bản cải tiến mạnh mẽ hơn với tầm bắn tăng lên, có khả năng vươn tới Moscow, cũng đang được phát triển. Giới chức Ukraine cho rằng năm 2025 sẽ là “năm của tên lửa hành trình Ukraine”, nhấn mạnh tầm quan trọng của những diễn biến này đối với an ninh quốc gia.
Động thái của Ukraine diễn ra trong bối cảnh Nga liên tục tiến quân ở tiền tuyến và chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải đối mặt với những lo ngại ngày càng tăng rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tương lai có thể từ chối cung cấp viện trợ quân sự mới cho Kiev. Do vậy, Ukraine phải chạy đua để xây dựng hệ thống vũ khí tầm xa của riêng nước này.
Yuri Knutov, chuyên gia quân sự và nhà sử học về lực lượng phòng không, cho biết nếu Ukraine xây dựng một hệ thống vũ khí tầm xa có thể vươn tới Moscow, các cuộc tấn công có độ chính xác cao của Nga sẽ xóa sổ các dây chuyền sản xuất của Kiev.
Theo ông Knutov, ngay khi Nga nhận được thông tin đáng tin cậy rằng những vũ khí tầm xa của Ukraine đã được chế tạo hoặc đang trong giai đoạn cuối, các cơ sở sản xuất vũ khí của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu bằng tên lửa siêu vượt âm và tên lửa hành trình.
Nga nhiều lần cảnh báo việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine càng khiến xung đột leo thang lên mức độ nguy hiểm mới.
Chuyên gia nhận định, Ukraine có thể chế tạo các tên lửa có tầm bắn tới Moscow nếu nhận được sự hỗ trợ công nghệ và viện trợ lớn từ phương Tây.
Ông lưu ý rằng Ukraine đã phát triển các phiên bản sửa đổi của tên lửa Grom-2 – một phiên bản hiện đại của hệ thống tên lửa đạn đạo Tochka-U thời Liên Xô – trong ít nhất 15 năm.
Hơn nữa, Mỹ và Anh đã cung cấp cho Ukraine công nghệ cần thiết để nâng cấp tên lửa Grom và chuẩn bị sản xuất hàng loạt.
Ukraine thực hiện nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga bằng máy bay không người lái. Từ tháng 11, Kiev bắt đầu sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ để tập kích các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Động thái này vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Nga. Moscow đã đáp trả bằng việc bắn tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới Oreshnik vào một tổ hợp công nghệ quân sự của Ukraine ở thành phố Dnipro hôm 21/12.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, Moscow có thể sẽ tiếp tục tấn công Ukraine bằng tên lửa Oreshnik, mục tiêu khả năng cao là “các trung tâm ra quyết định” ở Kiev.
Ông Putin cho biết, Oreshnik có khả năng phá hủy các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt, kể cả những công trình nằm sâu dưới lòng đất, nhấn mạnh rằng một cuộc tấn công quy mô lớn bằng hệ thống này có thể sánh ngang với một cuộc tấn công hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định hiện không có hệ thống phòng không nào trên thế giới có thể đánh chặn Oreshnik.
Theo: Dân Trí