Financial Times (FT) ngày 22/12 cho biết, các thành viên trong nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói với các chuyên gia y tế rằng, một số người trong nhóm được cho là muốn Mỹ ở lại WHO nhưng thúc đẩy cải tổ tổ chức này.
Tuy nhiên, một nhóm khác muốn Mỹ cắt đứt quan hệ với WHO và xu hướng này đang thắng thế trong các cuộc tranh luận.
FT dẫn lời Ashish Jha, cựu điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, cho hay nhóm của ông Trump muốn nước Mỹ rút khỏi WHO ngay ngày đầu nhiệm sở của ông Trump, coi đó là biểu tượng đảo ngược động thái mà người tiền nhiệm Joe Biden đã làm trong ngày nhậm chức trước kia.
Vào ngày 20/1/2021, ông Biden đã nối lại quan hệ giữa Mỹ và WHO sau khi ông Trump khởi động quá trình rút khỏi tổ chức này vì chỉ trích năng lực ứng phó của WHO với đại dịch Covid-19.
Năm 2020, ông Trump cáo buộc WHO bị Trung Quốc “kiểm soát” trong bối cảnh đại dịch. Ông nói Bắc Kinh đã gây áp lực buộc WHO “lừa dối thế giới” về virus. Ông tuyên bố sẽ chuyển nguồn tài trợ WHO của Mỹ cho các tổ chức từ thiện y tế công cộng toàn cầu khác.
Theo nghị quyết của Quốc hội năm 1948, Mỹ có thể rút khỏi WHO nhưng phải thông báo trước một năm và phải trả các khoản phí còn thiếu.
Tháng trước, ông Trump đề cử người lâu năm hoài nghi về vaccine Robert F. Kennedy làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ. Ông Robert F. Kennedy là một trong những người lên tiếng chỉ trích các biện pháp ứng phó của WHO với Covid-19 do khuyến nghị các chính phủ trên thế giới áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và giới thiệu các loại vaccine được phát triển nhanh chóng.
Theo: Dân Trí