Con trai cả ông Phạm Nhật Vượng và cú bắt tay đối tác đi vào hiện thực
Ngày 20/12, VinFast Energy, Marubeni và Vinpearl chính thức đưa hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) tại Vinpearl Resort Nha Trang vào vận hành thương mại. Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ pin lưu trữ được phát triển và sản xuất tại Việt Nam vào thực tiễn.
Dự án được triển khai tại đảo Hòn Tre, Nha Trang với công suất lưu trữ 3,7 MWh. Trong mô hình hợp tác ba bên ở dự án này, Marubeni là chủ đầu tư, VinFast Energy là nhà cung cấp giải pháp, Vinpearl là đơn vị trực tiếp sử dụng và thụ hưởng các lợi ích.
Đúng một năm trước (tháng 12/2023), VinFast và tập đoàn Marubeni công bố biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác tái sử dụng pin xe điện hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Theo thỏa thuận, VinFast và Marubeni hợp tác nghiên cứu, sản xuất các hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) từ pin xe điện qua sử dụng. Trong đó, VinFast là đơn vị cung ứng pin xe điện; Marubeni đảm nhiệm việc đánh giá khả thi, tư vấn kỹ thuật và triển khai lắp đặt BESS. Hai bên cũng đồng thời hợp tác thúc đẩy các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực pin xe điện qua sử dụng.
Tại buổi ký kết nói trên, ông Phạm Nhật Quân Anh, Phó tổng giám đốc Khối sản xuất VinFast, chia sẻ: “Việc ký kết MOU với Marubeni đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược thiết lập nền kinh tế tuần hoàn của VinFast. Tối ưu hóa giá trị vòng đời của pin xe điện không chỉ đưa di chuyển điện hóa thông minh dễ dàng tiếp cận hơn, mà còn thúc đẩy mục tiêu vì một tương lai xanh cho mọi người.”
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dừng hoàn toàn dịch vụ taxi bằng xe VF 8
Ngày 19/12, nhà sáng lập GSM – tỷ phú Phạm Nhật Vượng – công bố dừng hoàn toàn dịch vụ taxi Xanh SM Luxury bằng xe VinFast VF 8. Bộ phận truyền thông Vingroup cho biết, quyết định này đưa ra nhằm đảm bảo chuẩn định vị VF 8 là dòng xe cao cấp, sang trọng.
Việc VF 8 được đưa vào vận hành taxi Xanh SM Luxury một thời gian được cho biết là để quảng bá các tính năng và phổ cập trải nghiệm của xe tới khách hàng. Sau hơn một năm hoạt động, VF 8 hoàn thành sứ mệnh và được tỷ phú Phạm Nhật Vượng quyết định rút hẳn khỏi hệ thống dịch vụ taxi.
Theo đó, từ nay đến tháng 2/2025, tất cả xe VF 8 của công ty GSM sẽ được chuyển nhượng cho công ty FGF để cung cấp dịch vụ cho thuê xe dành cho cá nhân, doanh nghiệp hoặc bán lẻ ra thị trường cho khách hàng có nhu cầu.
Đại diện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết: “Việc dừng dòng xe VinFast VF 8 hoàn toàn khỏi hệ thống kinh doanh taxi là bước đi tiếp theo sau khi khách hàng đã có đủ thời gian để trải nghiệm, và đảm bảo đưa VF 8 về chuẩn định vị cốt lõi, phù hợp với phân khúc cao cấp của thị trường cũng như đối tượng khách hàng đẳng cấp và thành đạt, xứng tầm sản phẩm”.
Con gái bầu Đức muốn mua 1 triệu cổ phiếu HAG
Bà Đoàn Hoàng Anh -con gái ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) – đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HAG từ ngày 23/12 đến 21/1/2025. Dự kiến sau giao dịch theo hình thức khớp lệnh, bà Hoàng Anh sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 1,32% vốn.
Gia đình bầu Đức thường được giữ kín trước truyền thông và không nắm giữ các chức vụ trong công ty. Hoàng Anh Gia Lai hoạt động trên 30 năm nhưng chỉ đến tháng 8/2021, bà Hoàng Anh mới bắt đầu mua cổ phiếu của doanh nghiệp mang tên mình. Trong năm nay, con gái bầu Đức đã có 4 lần mua vào và bán ra cổ phiếu HAG làm thay đổi tỷ lệ sở hữu.
Cùng với con gái, bầu Đức sở hữu gần 320 triệu cổ phiếu HAG, tỷ lệ hơn 30% vốn công ty.
Bamboo Airways thỏa thuận trả hơn 68 tỷ đồng sau khi bị kiện
Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, mã chứng khoán: SGN) công bố đã nhận quyết định công nhận kết quả hòa giải từ tòa án với Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), liên quan đến công nợ hơn 68,5 tỷ đồng.
Văn bản từ tòa án cho biết Bamboo Airways còn nợ SAGS hơn 68,5 tỷ đồng tính đến ngày 12/11, liên quan đến hợp đồng phục vụ mặt đất và phụ lục thỏa thuận về địa điểm, dịch vụ cung cấp, phí áp dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Đà Nẵng.
Hãng hàng không có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ khoản nợ cho SAGS, chia làm 3 đợt vào các năm 2024, 2025 và 2028.
Bamboo Airways vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc. Hồi tháng 7, tại cuộc họp với cổ đông, lãnh đạo công ty cho biết để tối ưu chi phí hoạt động, hãng bay đã thay đổi nhà cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất từ SAGS sang Pacific Airlines và triển khai tự phục vụ. Nhờ đó, hãng tiết kiệm 20% chi phí phục vụ mặt đất cho mỗi chuyến bay.
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã bồi thường gần 600 tỷ đồng
Dự kiến, ngày 26/12, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan. Ngoài các bị cáo kháng cáo, 134 bị hại và gần 400 người liên quan cũng có đơn kháng cáo.
Trước đó, tại phiên tuyên án sơ thẩm diễn ra vào đầu tháng 8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết 21 năm tù đối với 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là 1.364 tỷ đồng, phải truy nộp số tiền 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán. Như vậy, tổng số tiền mà ông Quyết phải khắc phục là hơn 1.800 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm ghi nhận gia đình bị cáo đề nghị dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả cho ông Trịnh Văn Quyết.
Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ ông Trịnh Văn Quyết đã nộp thêm 203 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng.
Đến 19/12, vợ ông Quyết nộp tiếp 150 tỷ đồng. Tổng số tiền ông Quyết khắc phục thêm là 353 tỷ đồng. Ở giai đoạn sơ thẩm, ông Trịnh Văn Quyết được ghi nhận đã khắc phục 237 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền ông Quyết khắc phục được là gần 600 tỷ đồng.
Trong phiên xét xử phúc thẩm tới đây, bị cáo Trịnh Văn Quyết kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án.
Theo: Dân Trí