Đằng sau “chiến dịch đặc biệt” của Ukraine nhằm vào các tướng lĩnh Nga

Đằng sau chiến dịch đặc biệt của Ukraine nhằm vào các tướng lĩnh Nga - 1

Hiện trường vụ nổ khiến Trung tướng Igor Kirillov, chỉ huy lực lượng phòng thủ phóng xạ, hóa học và sinh học của Lực lượng vũ trang Nga, thiệt mạng hôm 17/12 (Ảnh: Reuters).

Cơ quan Điều tra Liên bang Nga ngày 17/12 cho biết, Trung tướng Igor Kirillov, chỉ huy lực lượng phòng thủ phóng xạ, hóa học và sinh học của Lực lượng vũ trang Nga, và trợ lý của ông đã thiệt mạng sau một vụ đánh bom bên ngoài một tòa chung cư ở Moscow.

Các nguồn tin an ninh giấu tên cho biết, Trung tướng Igor Kirillov thiệt mạng do một “chiến dịch đặc biệt của Ukraine”. Nguồn tin nói rằng Ukraine coi tướng Kirillov là “mục tiêu hoàn toàn hợp pháp”, cáo buộc quan chức này ra lệnh sử dụng vũ khí hóa học bị cấm chống lại lực lượng Ukraine trong xung đột.

Ông Sergey Mironov, cựu chủ tịch Thượng viện Nga và hiện là lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng Nước Nga công bằng tại Duma Quốc gia, cho rằng Mỹ đã trực tiếp “bật đèn xanh” cho vụ ám sát ông Kirillov. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc này.

Ukraine chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin trên.

Ông Kirillov là một trong các lãnh đạo quân đội cấp cao hoặc nhà khoa học Nga bị mưu sát.

Hồi cuối tháng 9, Đại tá Alexey Kolomeytsev thuộc Lực lượng Vũ trang Nga bị ám sát ở ngoại ô Moscow. Ukraine đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Đại tá Kolomeytsev là người đứng đầu Trung tâm Máy bay Không người lái Nhà nước số 924 của Bộ Quốc phòng Nga. Theo tình báo Ukraine, Đại tá Kolomeytsev đã đào tạo các chuyên gia Nga cách sử dụng máy bay không người lái.

Gần đây nhất, hôm 10/12,  nhà khoa học tham gia phát triển tên lửa Kh-69 của Nga, ông Mikhail Shatsky, bị ám sát bằng súng gần Moscow. Thi thể ông Shatsky được phát hiện giữa trời tuyết tại công viên ở thị trấn Kotelniki, phía Đông Nam thủ đô Moscow. Truyền thông Ukraine dẫn các nguồn tin cho biết ông Shatsky bị hạ sát sau một “chiến dịch đặc biệt” của Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine.

Chiến dịch phá hoại trong lãnh thổ đối phương

Đằng sau chiến dịch đặc biệt của Ukraine nhằm vào các tướng lĩnh Nga - 2

Một tòa chung cư ở Moscow bị hư hại sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine hồi tháng 5/2023 (Ảnh: AFP).

Theo Financial Times, Ukraine đã “xây dựng một mạng lưới đặc vụ bí mật để thực hiện các vụ hạ sát chủ đích nhằm vào các nhân viên quân sự chủ chốt và phá hoại nguồn lực quân sự của Nga.

Giữa năm ngoái, các nguồn thạo tin tình báo Mỹ cho biết, Ukraine đã xây dựng một mạng lưới đặc vụ được đào tạo bài bản và cảm tình viên bên trong nước Nga để thực hiện các hành động phá hoại chống lại các mục tiêu của Nga và bắt đầu cung cấp cho họ máy bay không người lái để thực hiện các cuộc tấn công.

Giới chức Mỹ tin rằng Ukraine đã sử dụng lực lượng này để thực hiện những vụ như đưa máy bay không người lái xâm nhập khu vực Điện Kremlin hồi đầu tháng 5/2023.

Một quan chức tình báo châu Âu lưu ý rằng biên giới Nga – Ukraine rất rộng lớn và rất khó kiểm soát, tạo điều kiện cho hoạt động của Kiev đưa linh kiện, thiết bị qua biên giới nhằm phục vụ “chiến dịch đặc biệt”.

Theo các nguồn tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đặt ra các giới hạn chung về những gì cơ quan tình báo và an ninh của ông được phép làm, nhưng không phải mọi hoạt động đều cần có sự phê duyệt của ông.

Cùng với những vụ nhân vật cấp cao, có tầm ảnh hưởng của Nga thiệt mạng bí ẩn, những vụ nổ tại các kho nhiên liệu, nhà máy lọc dầu, đường sắt Nga xảy ra nhiều hơn kể từ khi xung đột với Ukraine bùng phát.

Các cơ quan tình báo Ukraine hiếm khi công khai thừa nhận rõ ràng về các vụ phá hoại hay mưu sát, nhưng vụ việc của tướng Kirillov có thể là một phần trong chiến dịch đặc biệt của Kiev nhắm vào những người mà họ coi là “tội phạm chiến tranh”, nhằm gây sức ép tâm lý cho Moscow.

“Bất kỳ ai tham gia vào việc phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và ủng hộ hành động quân sự của Nga ở Ukraine bằng cách này hay cách khác đều là mục tiêu hợp pháp”, một nguồn tin quốc phòng Ukraine chia sẻ với Kyiv Independent.

Trong các phát ngôn công khai, giới chức Mỹ cảnh báo những vụ tấn công bên trong lãnh thổ Nga như vậy có nguy cơ khiến xung đột leo thang.

Theo BBC, Nga coi vụ tướng Kirillov bị mưu sát “không chỉ là một đòn giáng mà còn là bằng chứng cho thấy Ukraine có khả năng nhắm mục tiêu vào các quan chức cấp cao ở Moscow”. Điều này có thể khiến Nga xét lại quy trình an ninh đối với các tướng lĩnh hàng đầu của quân đội và tìm cách trả đũa Kiev.

Hơn nữa, chiến dịch mưu sát cũng đặt ra những câu hỏi về pháp lý và đạo đức đặc biệt khi mục tiêu là các chính trị gia hoặc thường dân chứ không phải quân nhân trên chiến trường.

Chiến dịch nhắm mục tiêu trên chiến trường

Đằng sau chiến dịch đặc biệt của Ukraine nhằm vào các tướng lĩnh Nga - 3

Mỹ không chỉ viện trợ vũ khí mà còn chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine (Ảnh minh họa: Getty).

Ông Kirillov là một trong những tướng lĩnh Nga thiệt mạng kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022. Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp.

Các nhà phân tích chỉ ra, tổn thất này do nhiều yếu tố, một trong những yếu tố đó là liên lạc không an toàn của các lực lượng Nga và tình báo quân sự của Mỹ tạo điều kiện cho Ukraine nhắm mục tiêu vào các sĩ quan Nga.

New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cấp cao giấu tên cho hay, Mỹ thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động di chuyển quân và thiết bị của Nga, đồng thời giúp Ukraine xác nhận vị trí của các mục tiêu quan trọng. Các đồng minh NATO khác cũng cung cấp thông tin tình báo theo thời gian thực cho quân đội Ukraine.

Ukraine kết hợp thông tin địa lý đó với thông tin tình báo của chính họ, bao gồm cả thông tin liên lạc bị chặn cảnh báo quân đội Ukraine về sự hiện diện của các sĩ quan cấp cao của Nga để tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo binh và các cuộc tấn công khác.

Các quan chức Mỹ từ chối bình luận về cách thức mà Mỹ sử dụng để thu thập thông tin về các hoạt động quân sự của Nga. Tuy nhiên, trong suốt cuộc chiến Ukraine, các cơ quan tình báo Mỹ đã sử dụng nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả vệ tinh mật và vệ tinh thương mại, để theo dõi hoạt động di chuyển của quân đội Nga.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John F. Kirby chỉ nói rằng, Mỹ cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo mà họ có thể sử dụng để tự vệ.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cũng nhấn mạnh, thông tin tình báo chiến trường cung cấp cho Ukraine “không nhằm mục đích hạ sát các tướng lĩnh Nga”.

Ngoài thông tin tình báo, Mỹ được cho là cũng viện trợ cho Ukraine những vũ khí mới để tăng khả năng nhắm mục tiêu vào các sĩ quan cấp cao của Nga.

Ví dụ, ở giai đoạn đầu xung đột, phiên bản nhỏ hơn của máy bay không người lái Switchblade có thể được sử dụng để xác định mục tiêu binh sĩ đối phương, đồng thời có thể hạ gục một vị tướng ngồi trên xe hoặc ra lệnh trên tiền tuyến.

So với việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo dường như là phương thức hỗ trợ an toàn hơn cho Washington trước nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga, hay ít nhất là có thể phủ nhận được.

Ngoài những yếu tố trên, theo các quan chức và cựu quan chức quân đội Mỹ, một yếu tố khác khiến các sĩ quan cấp cao Nga dễ bị nhắm mục tiêu là việc họ sử dụng các thiết bị liên lạc có mức độ bảo mật thấp, dẫn đến việc họ dễ bị nghe lén.

Chiến thuật quân sự của Nga cũng khiến các tướng lĩnh cấp cao của họ dễ bị tổn thương. Hệ thống phân cấp chỉ huy tập trung từ trên xuống, chỉ trao quyền ra quyết định cho các cấp cao nhất buộc các tướng lĩnh Nga phải thực hiện những chuyến đi đầy rủi ro ra tiền tuyến để giải quyết các vấn đề hậu cần và vận hành.

Theo: Dân Trí