Trước những hoài nghi của phương Tây về năng lực của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới Oreshnik, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/12 nói: “Hãy đấu tay đôi về công nghệ trong thế kỷ 21. Mỹ và đồng minh chọn mục tiêu ở Kiev, sau đó tập trung lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa ở đó. Nga sẽ phóng tên lửa Oreshnik vào mục tiêu này, còn họ tìm cách đánh chặn nó. Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc đấu như vậy”.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định: “Không có cách nào dễ dàng để đánh chặn Oreshnik. Toàn bộ đầu đạn có thể được phóng ra chỉ trong vài giây”.
Ông nói, hãy để Mỹ cung cấp cho Ukraine Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một trong những lá chắn tên lửa hiện đại nhất trong biên chế quân đội Mỹ hiện nay.
Tên lửa Oreshnik của Nga và hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ là đại diện cho một giai đoạn mới của cuộc chạy đua công nghệ quân sự. Tuy nhiên, hiệu quả của các hệ thống đánh chặn vẫn còn là dấu hỏi trong bối cảnh hoạt động quân sự của Ukraine bị hạn chế.
Trang Avia Pro dẫn phân tích của giới chuyên gia cho biết, trong hành trình bay, tên lửa Oreshnik có khả năng đạt độ cao 85-110km, nằm trong phạm vi phát hiện của radar đa chức năng AN/TPY-2 TMD-GBR, một phần của tổ hợp THAAD.
Radar này có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách từ 700km đến 1.300km và truyền dữ liệu để dẫn đường cho các thiết bị đánh chặn ngoài khí quyển. Tuy nhiên, việc đánh chặn Oreshnik tiếp theo vẫn sẽ gặp một số khó khăn.
Ở giai đoạn tách đầu đạn, tên lửa Nga sử dụng ngụy trang hồng ngoại, khiến đầu đạn tự dẫn quang – ảnh nhiệt chủ động trên đạn tên lửa của THAAD khó bắt được mục tiêu.
Hơn nữa, khi Oreshnik hạ độ cao xuống dưới 70-80km, các tên lửa của THAAD mất hiệu quả do lực cản khí động học tăng lên, khiến việc đánh chặn ngoài khí quyển hầu như không thể thực hiện được.
Với không gian hoạt động quân sự bị hạn chế của Ukraine, cuộc đối đầu này lại càng không có lợi cho THAAD. Thời gian tên lửa Oreshnik nằm trong vùng hoạt động của hệ thống phòng thủ cực kỳ ngắn, vì ở giai đoạn cuối của quỹ đạo, nó đã chuyển sang chế độ dẫn đường riêng lẻ cho từng đầu đạn. Trong những điều kiện như vậy, hiệu quả của THAAD gần bằng không.
Một tình huống khác có thể xảy ra là Oreshnik được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở châu Âu.
Trong trường hợp này, thời gian hoạt động của Oreshnik trong vùng phủ sóng của THAAD tăng lên, làm tăng khả năng đánh chặn thành công.
Tuy nhiên, ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất, khả năng đánh chặn thành công vẫn chỉ ở mức 7-15%. Điều này là do những hạn chế của chính hệ thống THAAD khi nó được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu đơn giản hơn.
Điều quan trọng nhất là Ukraine sẽ không nhận được hệ thống THAAD từ Lầu Năm Góc. Washington hiện không có kế hoạch cung cấp các hệ thống công nghệ cao như vậy cho Ukraine, bất chấp căng thẳng gia tăng trong khu vực. Quyết định này đã loại trừ khả năng THAAD xuất hiện trên mặt trận Ukraine, khiến viễn cảnh đối đầu giữa Oreshnik và THAAD chỉ dừng lại ở mức mô hình lý thuyết.
Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi nếu xung đột giữa Nga và NATO leo thang hơn nữa. Trong kịch bản như vậy, các hệ thống THAAD được triển khai ở châu Âu có thể trở thành mục tiêu tấn công của quân đội Nga. Điều này làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của các hệ thống phòng không dù là hiện đại nhất trong một cuộc đối đầu công nghệ cao.
Theo: Dân Trí