Thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn đã được ghi nhận ở khu vực phía Nam.
Điển hình là trường hợp của ông L.T.B. (58 tuổi, ngụ tỉnh Long An). Khai thác bệnh sử, trong lúc dọn cây ngoài vườn, ông có cảm giác đau bàn tay trái, khi nhìn lại thì thấy vết thương nhỏ đang rỉ máu.
Ngay sau đó, người nhà đã nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện trong tình trạng đau nhức nhiều kèm theo sưng, bầm tím quanh vùng cắn. Qua kiểm tra, các bác sĩ xác định ông bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Tương tự, ông P.V.C. (58 tuổi) khi dọn dẹp bãi đất ngoài vườn đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào gót chân bên phải. Sau tai nạn, ông C. cảm thấy choáng váng, gót chân sưng nhanh chóng, môi và lưỡi đều bị tê.
Tại bệnh viện, cả hai người bệnh được đội ngũ bác sĩ nhanh chóng xử lý vết thương rắn cắn, sau đó tiêm huyết thanh kháng nọc rắn và huyết thanh kháng độc tố uốn ván, kháng sinh dự phòng, kháng viêm, giảm đau, đồng thời theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn.
Nhờ sự phối hợp điều trị kịp thời của đội ngũ y bác sĩ, tình trạng sưng đau của người bệnh đã được kiểm soát, ngăn chặn sự lan rộng của nọc độc. Sau vài ngày điều trị, cả hai bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Vân, Trưởng khoa Nội Tim mạch, cho biết rắn lục đuôi đỏ là loài rắn có nọc độc mạnh. Người bệnh sau vài phút bị rắn cắn sẽ có biểu hiện sưng nề lan nhanh, có thể chảy máu không cầm ở nơi bị cắn.
Sau khoảng 6 giờ bị cắn, phần sưng nề có thể lan rộng đến gốc chi, dẫn đến toàn chi sưng to, tím tái, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ… Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ sớm bị rối loạn đông máu, xuất huyết nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay, điều trị rắn cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn là phương pháp hữu hiệu nhất. Thời điểm sử dụng tốt nhất là trong 4 giờ đầu sau khi rắn cắn.
Do đó, người dân nếu không may bị rắn cắn cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không đắp thuốc lên vết cắn hoặc rạch vết cắn để lấy nọc, khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
“Mùa mưa hàng năm là giai đoạn sinh nở và phát triển của nhiều loài rắn độc. Tình trạng biến đổi khí hậu đã phá vỡ môi trường sống của rắn, khiến chúng dịch chuyển tìm nơi trú ẩn gần khu vực dân cư sinh sống. Điều này đã khiến số lượng người bị rắn cắn gia tăng đáng kể”, bác sĩ lưu ý thêm.
Trước đó, vào cuối tháng 10, bé trai tên D. (quê Tây Ninh) chơi trong nhà thì thấy đầu rắn màu xanh trong hốc cổ xe máy. Tưởng là lá cây, bé lấy tay phải bóc ra chơi thì bị con rắn lục cắn vào ngón tay trỏ phải.
Nghe tiếng trẻ la lên vì đau, người nhà chạy đến và phát hiện bệnh nhi có vết thương chảy máu nhiều, nên lấy bông gòn cầm máu, đồng thời bắt con rắn tức tốc đưa bệnh nhi đi cấp cứu. Bé được bệnh viện địa phương sơ cứu cầm máu, truyền dịch rồi chuyển lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ trực ghi nhận trẻ bị rối loạn đông máu nặng vì vết cắn của rắn lục đuôi đỏ. Bệnh nhi phải truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu liên tục nhiều giờ để giữ mạng.
Theo: Dân Trí