Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 16/12 đến ngày 22/12, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 81,8-83,8 triệu đồng/lượng (mua – bán). Giá vàng miếng “khởi động” tuần này ở mức 82,6-85,1 triệu đồng/lượng (mua – bán). Như vậy, sau một tuần giao dịch, giá chiều mua đã “bốc hơi” 800.000 đồng trong khi giá chiều bán giảm 1,3 triệu đồng.
Kết thúc tuần này, giá vàng nhẫn tròn trơn được niêm yết tại 81,8-83,6 triệu đồng/lượng (mua – bán). Mặt hàng vàng nhẫn cũng giảm 800.000 đồng mỗi chiều sau một tuần.
Giá trong nước giảm trong bối cảnh giá thế giới biến động mạnh. Đầu tuần, vàng thế giới tăng giá do những lo ngại địa chính trị và đồng USD suy yếu, nhưng lại đảo chiều lao dốc ngay trong 2 phiên giao dịch liền sau đó.
Giá vàng chạm mức thấp nhất trong gần 2 tuần vào phiên giao dịch ngày 18/12, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất đúng như dự đoán của thị trường. Fed cũng phát đi tín hiệu sẽ giảm tốc độ cắt giảm lãi suất trong tương lai, điều này đã hỗ trợ đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng.
Phiên 19/12, giá vàng có thời điểm đã giảm hơn 2%, xuống mức thấp nhất một tháng, sau khi các quan chức Fed hạ dự báo về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ trong tương lai do lạm phát vẫn dai dẳng. Sự sụt giảm này sau đó lại thu hút các nhà đầu tư mua vào, đẩy giá vàng tăng 1,5% trong phiên giao dịch cuối tuần
Chốt phiên giao dịch tuần này, giá vàng thế giới giao ngay tăng 27,7 USD lên 2.622 USD/ounce. Dù vậy mặt hàng này vẫn ghi nhận mức giảm 2% trong tuần này. Song tính chung từ đầu năm, giá kim loại quý đã tăng 27% và nhiều lần lập đỉnh mới.
Nguyên nhân chủ yếu là lực mua của các ngân hàng trung ương, làn sóng giảm lãi suất và nhu cầu trú ẩn trong bất ổn địa chính trị trên toàn cầu. Cơn sốt vàng chững lại từ đầu tháng 11 khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ khiến giá USD tăng mạnh.
Dù vậy, Alex Ebkarian, Giám đốc điều hành công ty kinh doanh kim loại quý Allegiance Gold, cho rằng giá vàng trong dài hạn vẫn được hưởng lợi khi vấn đề nợ công đang treo lơ lửng và nhu cầu trú ẩn trong bất ổn địa chính trị trên toàn cầu.
“Vàng được coi là một lựa chọn đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế – địa chính trị, và có xu hướng tăng giá mạnh trong môi trường lãi suất thấp”, vị này cho hay.
Mới đây, Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE) lõi – không tính giá thực phẩm và năng lượng – chỉ tăng 0,1% so với tháng 10. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ tháng 5. PCE vốn là thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Đây là chỉ số mới nhất cho thấy quá trình giảm lạm phát tại Mỹ tiếp tục có tiến triển.
Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, cho biết: “Không chỉ PCE, dữ liệu về thu nhập cá nhân và chi tiêu cá nhân đều thấp hơn dự báo. Chúng ta đang thấy người chơi quay trở lại thị trường vàng”.
Trong một lưu ý mới đây, JP Morgan cho rằng, với nhu cầu vật chất hiện giữ mức sàn, tức là thị trường đang kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed tương đối thấp trong năm 2025. Điều này có thể thúc đẩy giá vàng tăng nếu nỗi lo lạm phát trở nên quá mức, buộc Fed phải hành động mạnh hơn.
Theo: Dân Trí