Cà phê có thực sự tốt cho sức khỏe tim mạch?

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Nội tiết Thế giới được công bố hồi tháng 9, việc thường xuyên tiêu thụ caffeine ở mức vừa phải có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và đột quỵ. 

Tuy nhiên, tác dụng này chỉ phát huy khi mọi người nạp một lượng caffeine vừa phải mỗi ngày. Trong trường hợp nếu nạp quá nhiều, caffeine có thể gây ra tác dụng ngược, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của 360.000 người trong độ tuổi 37-73 từ UK Biobank, so sánh những người không tiêu thụ bất kỳ loại caffeine nào hoặc nạp ít hơn 100 mg caffeine/ngày với những người nạp 200-300 mg caffeine/ngày.

Kết quả cho thấy nhóm thứ hai có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ít hơn tới 41-48%.

Cà phê có thực sự tốt cho sức khỏe tim mạch? - 1

Tiêu thụ cà phê với lượng vừa phải có khả năng hạn chế bệnh tim mạch, đột quỵ. (Ảnh minh họa: Unsplash). 

Chia sẻ với Medical News Today, chuyên gia dinh dưỡng Melanie Murphy Richter, cho biết caffeine có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thông qua việc tăng cường độ nhạy insulin cũng như thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo để hỗ trợ sức khỏe tim mạch nói chung.

Theo Tiến sĩ Tim mạch Cheng-Han Chen, Giám đốc Trung tâm Y tế PCA (Hoa Kỳ), cả cà phê và trà đều là những thức uống chứa hàng trăm hợp chất hoạt tính sinh học. 

Bên cạnh caffeine, các hợp chất như flavonoid, ancaloit và polyphenol trong trà và cà phê cũng được cho là có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm, có thể liên quan đến quá trình chuyển hóa glucose và lipid, giúp hạn chế bệnh béo phì. 

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tiêu thụ quá nhiều trà và cà phê có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. 

Trong một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị ACC châu Á 2024 hồi tháng 8, các nhà khoa học cho hay đã phát hiện những người tiêu thụ quá nhiều caffeine liên tục từ 5 ngày/tuần có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. 

Theo đó, các bác sĩ định nghĩa “quá nhiều caffeine” tương đương với khoảng 400 mg/ngày, tương đương với 4 tách cà phê, 2 lon nước tăng lực và 10 lon nước ngọt. 

Những người tiêu thụ ít nhất 400 mg caffeine/ngày trong 5 ngày liền có nhịp tim và huyết áp tăng theo thời gian. Hiện tượng này rõ rệt hơn đối với những người tiêu thụ 600 mg caffeine/ngày. 

Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Nency Kagathara, khoa Nội, Bệnh viện Zydus (Ấn Độ), cho hay caffeine tác động lên hệ thần kinh tự chủ.  Việc tiêu thụ quá nhiều caffeine với tần suất dày đặc có thể khiến những người khỏe mạnh có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và các biến cố tim mạch khác. 

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Đột quỵ hồi tháng 9, đồ uống có ga, nước ép trái cây và đồ uống có quá nhiều cà phê có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ và xuất huyết não. Tuy nhiên, các rủi ro liên quan đến những đồ uống này khác nhau tùy thuộc vào dân số và vị trí địa lý của những người tham gia.

Theo dữ liệu thu thập được từ người tham gia ở 32 quốc gia, uống hơn 4 tách cà phê/ngày có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 37%.

Diệu Linh

Theo: Dân Trí