Syria thời hậu Assad: Bài toán đa chiều và vai trò của các nước lớn

Syria thời hậu Assad: Bài toán đa chiều và vai trò của các nước lớn - 1

Các máy bay quân sự tại sân bay ở Hama, Syria sau khi Tổng thống Assad bị lật đổ (Ảnh: Reuters).

Với sự tiên phong của Hayat Tahrir al-Sham (HTS) – một tổ chức đã tách ra từ al-Qaeda để theo đuổi đường lối ôn hòa hơn, nhóm các tổ chức chống chính phủ đã giành được chính quyền sau chỉ 11 ngày tiến công, chấm dứt chế độ Bashar al-Assad.

Sự kiện này đã làm đảo lộn tình hình địa chính trị không chỉ ở riêng Syria, mà còn là ở cả khu vực Trung Đông luôn chia rẽ và nóng bỏng này. Tình hình đó đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của Syria và buộc các nước liên quan phải nhanh chóng tính toán lại chiến lược của mình.

Nga: Từ “thắng lớn” đến thực dụng

Nga, từ năm 2015 đã thiết lập vị thế vững chắc tại Syria với hai căn cứ quân sự chiến lược, vừa có được cửa ngõ ra Địa Trung Hải, vừa làm bệ phóng tiến đến khu vực Bắc Phi. Nga đã đầu tư lớn vào việc bảo vệ chế độ Assad, đặc biệt qua chiến dịch can thiệp quân sự trực tiếp năm 2015. Đó là “thắng lớn” của Nga trong 10 năm qua khiến danh tiếng của Nga ở Trung Đông-châu Phi lên cao chưa từng có.

Ông Zineb Riboua từ Trung tâm Hòa bình và An ninh Trung Đông thuộc Viện Hudson nhận định: “Mất Syria sẽ là vấn đề lớn đối với Nga; nếu không còn các căn cứ quân sự ở Syria, mọi kế hoạch của Tổng thống Putin tại khu vực đều sụp đổ”. Tuy nhiên, ngay trước khi Damascus rơi vào tay các lực lượng đối lập, Nga đã cùng Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Jordan, Iraq và Qatar ở Doha để đánh giá tình hình và các bên đã thấy rõ chính quyền Assad sẽ sớm sụp đổ nên các bên đều tỏ quan điểm thực tế hơn khi bày tỏ sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới; Nga tỏ mong muốn tiếp xúc với HTS với điều kiện được bảo đảm an ninh cho các cơ quan Ngoại giao và 2 căn cứ quân sự đã có từ thời Tổng thống Assad.

Theo Bloomberg, cuộc đàm phán giữa Nga với HTS về việc tiếp tục duy trì căn cứ không quân ở Khmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus đã vẫn đang diễn ra, theo đó: “Moscow hy vọng sẽ duy trì được các căn cứ quân sự ở Syria để tiếp tục chống khủng bố quốc tế” – lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Bogdanov nói với báo chí nước ngoài gần đây. Tuy nhiên, Nga cũng triển khai các phương án phòng ngừa như rút một phần lực lượng ra khỏi Khmeimim và Tartus, sơ tán một phần nhân sự tại các cơ quan Ngoại giao và đặc biệt là nỗ lực tăng cường sự hiện diện về quân sự tại Lybia.

Iran: Tổn thất chiến lược không dễ khôi phục

Với việc Nga dường như đã tranh thủ được Thổ Nhĩ Kỳ để có quan hệ với các phe phái cầm quyền mới ở Syria nhằm duy trì được vị thế và ảnh hưởng của mình ở địa bàn quan trọng này, Iran có lẽ là bên thua thiệt nhất trước biến cố ở Syria vừa qua, nhất là khi xét tới tầm quan trọng chiến lược của Syria đối với các kế hoạch chiến lược của nước Hồi giáo chính thống này, bởi như một nhà Ngoại giao phương Tây trong trao đổi với báo Washington Post đã nói: “Mất Syria, trục kháng chiến cơ bản đã sụp đổ”. Thực tế là Syria đóng vai trò then chốt trong “hành lang quyền lực” của Iran trong suốt nhiều chục năm qua, kéo dài từ Tehran qua Baghdad đến Damascus và Beirut. Ngoài ra, đây còn là địa điểm sản xuất vũ khí và tuyến đường vận chuyển chiến lược của Iran cho các nhóm kháng chiến do Tehran bảo trợ gồm Hezbollah ở Nam Li Băng, Hamas ở Gaza…

Sau 3 ngày giữ im lặng thì Iran mới lên tiếng với việc lãnh tụ tinh thần Khamenei công khai cáo buộc “sự sụp đổ của ông Assad là kết quả từ kế hoạch của Mỹ, Israel và một nước thứ ba” và khẳng định “liên minh do Iran lãnh đạo sẽ tăng cường sức mạnh trên toàn khu vực” để trấn an dân chúng trong nước. Ngoài ra, ông Khamenei cũng đã tỏ ra khôn khéo khi bày tỏ mong muốn duy trì quan hệ với các lực lượng cầm quyền mới ở Syria dựa trên “cách tiếp cận khôn ngoan và nhìn xa trông rộng”.

Thổ Nhĩ Kỳ: Cơ hội và thách thức đan xen

Đối với Ankara, sự trỗi dậy của HTS – lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ lâu nay – là một phát triển bất ngờ giúp đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ Assad, kéo theo những tổn thất chiến lược lâu dài đối với Iran và Nga, qua đó đem lại những thuận lợi chiến lược rất to lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Tham vọng thiết lập “vùng an toàn” dọc biên giới Syria đang vấp phải sự phản đối từ người Kurd, cộng đồng sắc tộc kiểm soát 25% lãnh thổ Syria và được Mỹ hậu thuẫn. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), lực lượng người Kurd với 60.000 quân được trang bị hiện đại vẫn là một thách thức lớn cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm thống nhất Syria.

Còn về quá trình tái thiết Syria, đây là cơ hội lớn mà Ankara không thể bỏ qua để thu về những lợi ích lớn về kinh tế và thương mại, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế gay gắt trước những đối thủ nặng ký là Trung Quốc, EU, Nhật Bản… và kết quả cuối cùng cơ bản sẽ phụ thuộc vào năng lực và sự nhạy bén tận dụng thời cơ của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ.

Israel: Triệt để tận dụng cơ hội chiến lược

Với Israel, sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad – một trong những đối thủ hùng mạnh nhất của họ kể từ cuộc chiến năm 1967 – mở ra cơ hội lớn để tiếp tục làm suy yếu đối thủ cuối cùng này sau những đòn liên tiếp vào Hamas, Hezbollah và Iran thời gian gần đây. Israel đã tận dụng tình hình mới ở Syria với khoảng trống quyền lực để lại sau sự ra đi của Bashar al-Assad để một mặt đưa quân vào “vùng đệm” trên cao nguyên Golan, mặt khác thực hiện hơn 400 cuộc không kích vào Syria chỉ trong vài ngày, nhằm tiêu diệt các cơ sở quân sự và cắt đứt “hành lang Iran”.

Tuy nhiên, những hành động bất chấp luật pháp quốc tế này của Tel Aviv đang vấp phải sự phản đối rộng rãi của cộng đồng quốc tế, nhất là từ Nga, Trung Quốc và các nước Ả Rập. Bản thân thủ lĩnh HTS cũng đã lên tiếng khẳng định họ sẽ không theo đuổi chính sách thù địch chống Israel như chính quyền trước nên kêu gọi Tel Aviv ngừng ném bom các mục tiêu bên trong Syria và rút quân khỏi khu vực mới chiếm đóng vừa qua. Bên cạnh đó, nếu các phe phái đang kiểm soát Syria hiện nay đi theo đường lối Hồi giáo cực đoan, những hành động vừa qua của Israel chỉ khắc sâu thêm hận thù giữa 2 bên khiến Tel Aviv có thể sẽ phải đối mặt với những nguy cơ còn lớn hơn trước đây.

Mỹ: Chiến lược “đứng sau” bao quát

Đối với Syria, Washington tiếp tục theo đuổi chiến lược “đứng sau” nhưng vẫn duy trì hiện diện quân sự hạn chế, chủ yếu để hỗ trợ người Kurd và ngăn chặn IS tái sinh. Theo báo cáo của Rand Corporation, Mỹ đang đầu tư khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cho hiện diện quân sự ở Đông Bắc Syria. Đáng chú ý, tại cuộc họp báo ngày 16/12, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã nói rõ là “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ vai trò then chốt” ở Syria hiện nay.

Thực tế là trong những ngày qua, các lực lượng Mỹ vốn vẫn đồn trú ở phía Đông Syria giáp Iraq đã liên tục tiến hành các cuộc ném bom “để ngăn chặn các lực lượng IS còn lại trong khu vực lợi dụng thời điểm khó khăn này đẩy mạnh tấn công giành giật cả lãnh thổ lẫn ảnh hưởng”, nhưng không loại trừ ý đồ “dằn mặt” HTS về vai trò của Washington trong mọi cấu trúc quyền lực lớn mới ở Syria.

Những đối tác liên quan còn lại

Trước hết là về vai trò của Liên hợp quốc (LHQ) trong giai đoạn chuyển tiếp ở Syria hiện nay. Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen đang nỗ lực thúc đẩy một lộ trình hòa bình toàn diện dựa trên Nghị quyết 2254, bao gồm việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và tổ chức tổng tuyển cử dưới sự giám sát quốc tế. Tuy nhiên, sự bất đồng giữa các cường quốc trong Hội đồng Bảo an đang cản trở tiến trình này.

Trung Quốc, nước đã đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường” với sức mạnh, vai trò của quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, đã cam kết đầu tư 20 tỷ USD vào việc tái thiết Syria, tập trung vào cơ sở hạ tầng và năng lượng. Các nước vùng Vịnh như UAE, Qatar & đặc biệt là UAE cũng đang tích cực tham gia vào quá trình này, với UAE đã mở lại Đại sứ quán ở Damascus và cam kết hỗ trợ 50 tỷ USD cho tái thiết.

Một diễn biến đáng chú ý nữa là sự hình thành các liên minh mới trong khu vực. Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh đang tích cực xích lại gần Syria, không chỉ để cân bằng ảnh hưởng của Iran mà còn để tìm kiếm cơ hội làm ăn kinh tế. Các nguồn tin ngoại giao cho biết Riyadh đang cân nhắc một gói viện trợ trị giá 10 tỷ USD cho Syria, kèm theo điều kiện về cải cách chính trị và hạn chế ảnh hưởng của Iran.

Thách thức và triển vọng

Syria thời hậu Assad: Bài toán đa chiều và vai trò của các nước lớn - 2

Nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời tại Syria đã bị tàn phá do cuộc nội chiến kéo dài (Ảnh: Reuters).

Sau hơn một thập niên nội chiến đẫm máu khiến hơn 500.000 người chết và buộc gần 7 triệu người phải rời bỏ đất nước, sự sụp đổ đột ngột của chế độ Assad đã mở ra một chương mới đầy bất định cho Syria. Với khoảng 60% cơ sở hạ tầng bị phá hủy, Syria đang đứng trước thách thức tái thiết chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Về mặt an ninh, mối đe dọa từ IS vẫn còn hiện hữu. Theo báo cáo của LHQ, phiến quân IS vẫn duy trì khoảng 10.000 tay súng ở Iraq và Syria, đang chờ đợi cơ hội trong tình hình hỗn loạn ở Syria để tái xuất.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề người tị nạn và khủng hoảng nhân đạo. Theo đánh giá của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong số 6.8 triệu người Syria tị nạn ở nước ngoài, chỉ có khoảng 30% bày tỏ ý định trở về trong điều kiện hiện tại. Các trại tị nạn người Syria ở Jordan, Li Băng và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với tình trạng quá tải và thiếu thốn nguồn lực. Li Băng, với 1,5 triệu người tị nạn Syria trong tổng dân số 6,8 triệu người, đang chịu áp lực đặc biệt nặng nề về kinh tế và xã hội.

Công cuộc tái thiết Syria đặt ra một thách thức tài chính khổng lồ. Ngân hàng Thế giới ước tính cần ít nhất 400 tỷ USD để tái thiết cơ bản cơ sở hạ tầng của Syria. Tuy nhiên, sự phức tạp của tình hình chính trị và các lệnh trừng phạt quốc tế vẫn còn hiệu lực đang cản trở dòng vốn đầu tư. Các công ty xây dựng và năng lượng của Trung Quốc, Nga và Iran có thể sẽ cạnh tranh gay gắt để giành các hợp đồng tái thiết, trong khi các công ty phương Tây còn do dự và e ngại những rủi ro chính trị và pháp lý.

Theo ông Geir Pedersen, đặc phái viên LHQ về Syria, “cuộc chiến vẫn chưa kết thúc; một kịch bản tương tự Lybia sau khi nhà lãnh đạo al-Gaddafi bị lật đổ có nguy cơ lặp lại đối với Syria, nhất là trong bối cảnh có tới 6 lực lượng vũ trang và sắc tộc khác nhau cùng tuyên bố chủ quyền ở một quốc gia vốn nhiều bất ổn này”. Syria vẫn còn rất bất ổn và bấp bênh, đặc biệt là bởi có nhiều nhóm sắc tộc vốn đối đầu nhau như Arba, Alawite, Druzew và Kurd… cùng nhiều tôn giáo khác nhau như Hồi giáo với các hệ phái lớn nhỏ và Thiên Chúa giáo.

Thực tế việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp tiến triển khá chậm; IS đang manh nha hoạt động trở lại; những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng người Kurd ở phía Bắc Syria vẫn chưa dịu đi và đặc biệt là HTS và các lực lượng đối lập vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được đất nước khi trên lãnh thổ Syria bom đạn vẫn không dứt bởi bom của Mỹ chống các lực lượng IS ở phía Đông, bom của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở phía Bắc và đặc biệt nghiêm trọng hơn cả là bom của Israel vào các mục tiêu quân sự trên khắp Syria.

Về triển vọng, các chuyên gia dự báo 3 kịch bản chính có thể xảy ra với Syria trong thời gian tới như sau: (i) Với sự thỏa hiệp giữa các phe phái và sự ủng hộ của các cường quốc, đất nước dần ổn định dưới sự lãnh đạo của một chính phủ liên hiệp rộng rãi, với sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực; (ii) Đất nước tiếp tục bị chia rẽ thành các vùng ảnh hưởng riêng biệt, với người Kurd kiểm soát phía bắc, HTS ở trung tâm, và các nhóm khác nhau ở các khu vực còn lại; (iii) Không loại trừ khả năng rơi vào một cuộc nội chiến mới giữa các phe phái, có thể kéo theo sự can thiệp trực tiếp của các cường quốc bên ngoài.

Tình hình Syria thời hậu dòng tộc Assad tồn tại liên tục hơn nửa thế kỷ qua đang là một bài toán phức tạp đòi hỏi không chỉ các cường quốc mà cả cộng đồng quốc tế phải cùng chung tay góp phần giải quyết. Thành công hay thất bại trong việc ổn định và tái thiết Syria sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện địa chính trị Trung Đông và trật tự thế giới trong những năm tới. Tương lai Syria phụ thuộc vào khả năng cân bằng lợi ích giữa các bên và xây dựng mô hình quản trị hiệu quả.

Với gần 25 triệu dân và vị trí chiến lược bên bờ Địa Trung Hải, Syria có đủ tiềm năng phát triển thành một quốc gia thịnh vượng. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực, nước Syria Mới có thể thoát khỏi vòng xoáy bạo lực và bước vào kỷ nguyên mới của hòa bình và phát triển khi các bên liên quan thực sự đặt lợi ích của người dân Syria và sự ổn định khu vực lên trên tham vọng địa chính trị riêng.

Trước mắt, chính quyền mới cần thực hiện chính sách hòa hợp và đảm bảo đầy đủ tính đại diện của các nhóm dân tộc trong một chính phủ chuyển tiếp; các cường quốc thế giới và khu vực cần tôn trọng chủ quyền của Syria và tiếp tục phối hợp đấu tranh chống khủng bố quốc tế; và cộng đồng quốc tế cần tăng cường viện trợ nhân đạo và hỗ trợ tái thiết đất nước từng bị nội chiến và các lệnh trừng phạt quốc tế tàn phá nặng nề này.

Theo: Dân Trí