Điều ông Putin muốn thay đổi với chiến dịch quân sự ở Ukraine

Điều ông Putin muốn thay đổi với chiến dịch quân sự ở Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: TASS).

“Các bạn biết đấy, nếu có thể nhìn vào tình hình năm 2022, biết được những gì đang diễn ra hiện nay, tôi sẽ nghĩ gì? Tôi nghĩ rằng quyết định đó (mở chiến dịch quân sự ở Ukraine) đáng lẽ phải đưa ra sớm hơn”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo cuối năm hôm 19/12.

Ông nói thêm: “Thứ hai, lẽ ra chúng ta nên bắt đầu chuẩn bị cho những hoạt động này, bao gồm cả hoạt động quân sự đặc biệt”.

Chủ nhân Điện Kremlin thừa nhận, các hoạt động quân sự của Nga trong năm 2022 bắt đầu khi không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và các sự kiện ở bán đảo Crimea sau cuộc đảo chính Ukraine năm 2014 là tự phát.

“Tại sao chúng tôi quyết định hành động? Bởi vì chúng tôi không thể đứng yên và chờ đợi tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với chúng tôi”, ông nhấn mạnh.

Ông nhắc lại rằng chính quyền Ukraine khi đó đã tuyên bố sẽ không tuân thủ các thỏa thuận Minsk và đã đưa ra các tuyên bố về việc sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

“Chúng tôi buộc phải thực hiện những hành động này. Nếu biết trước chuyện gì sẽ xảy ra thì lẽ ra chúng tôi phải chuẩn bị một cách có hệ thống hơn”, ông nói.

Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh đến tính phức tạp của cuộc xung đột đang diễn ra, đồng thời cho biết rất khó dự đoán chiến sự sẽ kéo dài bao lâu.

“Các hoạt động tác chiến rất phức tạp nên việc đưa ra dự đoán rất khó khăn và không cần thiết”, ông cho biết và nhắc lại Moscow đang hướng tới các mục tiêu đã vạch ra khi bắt đầu chiến dịch quân sự, đó là “trung lập, phi quân sự hóa và phi quân sự hóa Ukraine”.

Mặt khác, ông khẳng định Nga chưa bao giờ loại trừ khả năng đàm phán.

Tổng thống Putin cho biết, Nga luôn sẵn sàng đàm phán với chính quyền hợp pháp của Kiev mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, ngoại trừ những điều đã được thỏa thuận ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 2022.

Những thỏa thuận sơ bộ đó bao gồm Ukraine cam kết trạng thái trung lập, không liên kết quân sự, cũng như một số hạn chế nhất định trong việc triển khai vũ khí của nước ngoài.

Tổng thống Putin cũng lưu ý các cuộc đàm phán như vậy sẽ phải tôn trọng thực tế đã phát triển kể từ đó. Moscow đề nghị Ukraine phải công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.

Với việc Nga đang giành ưu thế trên chiến trường, giới quan sát nhận định Moscow khó nhượng bộ về các điều kiện hòa đàm.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev chưa vội vàng đàm phán và thỏa hiệp với Nga. Ông tiết lộ, ưu tiên hiện nay của Ukraine là xây dựng quan hệ với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người tuyên bố có khả năng chấm dứt xung đột Nga – Ukraine trong vòng 24 giờ.

Theo: Dân Trí