Trường hợp của chị H.M (Quảng Bình) là một ca bệnh phức tạp hiếm gặp do khối u xương là di chứng của việc chẩn đoán nhầm từ 7 năm trước. Trước đó, khi phát hiện đau vùng chậu, bệnh nhân đã đi nhiều bệnh viện khác nhau và được chẩn đoán u xương nhưng do khối u này bị bỏ qua nhiều năm nên đã phát triển quá lớn, xâm lấn rộng vì vậy gần như không thể phẫu thuật được.
Các kết luận của những lần thăm khám nhiều bệnh viện khác trước đó đều cho rằng phẫu thuật trong trường hợp này không thể loại bỏ được khối u và nguy cơ tai biến, biến chứng, làm cho tình trạng bệnh có thể trầm trọng hơn. Cũng vì không có phác đồ điều trị, tình trạng của chị H.M ngày càng xấu đi, chị luôn cảm thấy đau đớn, rất hạn chế vận động chân trái, không ngồi và nằm ngửa được, di chuyển khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh nhân quyết định đến khám tại Vinmec một lần nữa với mong muốn tìm một cơ hội điều trị cho căn bệnh của mình. Tại Vinmec, các bác sĩ thăm khám kĩ càng và khai thác tỉ mỉ lại toàn bộ tiền sử bệnh lý của bệnh nhân trước đây.
Theo đó, bệnh nhân đã từng được phẫu thuật cắt bán phần tuyến giáp cách đây 7 năm tại một bệnh viện khác và chẩn đoán sau mổ là khối u lành tính. Sau khi hồi cứu và phân tích kĩ lại mẫu bệnh phẩm phẫu thuật tuyến giáp 7 năm trước và khối u xương hiện tại, các bác sĩ Vinmec đã đưa ra kết luận là ung thư giáp thể nang di căn xương chậu phức tạp.
“Chúng tôi thấy rằng khối u này có các đặc điểm hình thái học phức tạp, khó có thể gợi ý chẩn đoán ác tính, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và sự nhạy bén, tinh tế về mặt hình thái học của bác sĩ giải phẫu bệnh trong việc nhận ra được các dấu hiệu này, để từ đó có thể đưa ra được chẩn đoán xác định bản chất khối u là ác tính”, Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trưởng đơn nguyên Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Vinmec Times City, cho biết.
Như vậy, khối u di căn đã “bị bỏ quên” trong một thời gian dài, trở thành một khối u ác tính rất lớn với đường kính lên tới 10cm ở xương chậu, có tính chất xâm lấn rộng và phức tạp ra các cấu trúc xung quanh, không thể xử lý chỉ bằng phẫu thuật và các phương pháp đang hiện hành. Đặc biệt, khối u này rất giàu mạch với nhiều nhánh mạch nuôi, vì vậy có nguy cơ chảy máu hoặc tụ máu nhiều và nguy cơ cao tổn thương cơ – thần kinh vận động chi dưới khi tiến hành các biện pháp can thiệp điều trị.
BSCKII. Lê Thị My, Giám đốc Trung tâm bệnh lý tuyến Giáp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, cho biết: “Vì không thể phẫu thuật nên chúng tôi đã quyết định đưa ra phương án điều trị tối ưu. Đó chính là kết hợp nút tắc các nhánh mạch cấp máu cho khối u kết hợp với can thiệp phá hủy tại chỗ bằng đốt vi sóng.
Chúng tôi không gây mê mà tiến hành gây tê vùng để chủ động kiểm tra khả năng vận động chi dưới của bệnh nhân ngay trong cuộc can thiệp từ đó có những xử trí kịp thời để hạn chế tối thiểu các di chứng có thể xảy ra trong và sau can thiệp”.
Phương pháp này có ưu điểm ít xâm lấn không cần phẫu thuật, thời gian phục hồi nhanh và đạt hiệu quả cao trong việc giảm triệu chứng và hỗ trợ điều trị về sau nhưng cũng đòi hỏi bác sĩ phải có giàu kinh nghiệm và có kỹ thuật cao, ứng dụng được các công nghệ hiện đại vào điều trị.
Tín hiệu khả quan có thể thấy rõ ngay sau khi được can thiệp. Quan sát của các bác sĩ khi bệnh nhân tái khám sau 3 tháng cho thấy khối u của bệnh nhân đã giảm 67% thể tích. Bệnh nhân đã có thể đi lại, ngồi và nằm ngủ tư thế ngửa thoải mái, không còn đau nhiều và khó chịu như trước. Sau đợt can thiệp thứ hai vừa trải qua, khối u tiếp tục giảm 85% so với ban đầu.
Trước những tiến bộ rõ rệt này, chị H.M cho biết: “Tôi may mắn được các bác sĩ tìm mọi cách để điều trị, tôi đặt niềm tin vào các bác sĩ và sẵn sàng cho đợt điều trị tiếp theo và phẫu thuật theo chỉ định của các bác sĩ Vinmec”.
Theo phác đồ điều trị của hội đồng ung bướu đa chuyên khoa của Vinmec, sau khi khối u được thu nhỏ tối đa qua hai lần can thiệp, bệnh nhân dự kiến sẽ được đánh giá lại sau 6 tháng để xem xét khả năng phẫu thuật triệt căn khối u, đồng thời tạo hình khung xương chậu bằng công nghệ in 3D.
Song song với quá trình điều trị tại chỗ khối u xương, bệnh nhân đã được thực hiện thêm các xét nghiệm phân tử tìm kiếm các đột biến gene liên quan ung thư tuyến giáp thể nang, từ đó là cơ sở xây dựng kế hoạch các phương pháp điều trị tiếp theo như điều trị đích, liệu pháp miễn dịch toàn thân.
Từ tháng 11 năm nay, Vinmec khởi xướng chiến dịch “Sắc màu hy vọng” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phát hiện sớm và điều trị ung thư hiệu quả. Theo công bố của các tổ chức y tế, Việt Nam là đất nước có tỷ lệ mắc ung thư ở cả nam và nữ đáng báo động và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận trên 180.000 ca mắc ung thư mới và trên 120.000 ca tử vong, với hơn 354.000 người đang sống chung với bệnh. Trong bối cảnh này, việc sàng lọc định kì để phát hiện sớm và lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả trở nên đặc biệt quan trọng.
Trong khuôn khổ chiến dịch, Vinmec sẽ tiến hành khám và hội chẩn miễn phí cho bệnh nhân nghi ngờ ung thư. Tìm hiểu thêm về chiến dịch và đăng ký khám tại đây.
Theo: Dân Trí