Ngày 16/12, Tổng thống Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp thường niên với các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga. Tại đây, nhiều nội dung được thảo luận như vấn đề NATO, chiến sự ở Ukraine hay việc huy động binh lính nghĩa vụ. Tuy nhiên, có một chủ đề mà ông Putin đã không đề cập tới, đó là tình hình Syria.
Cho đến nay, nhà lãnh đạo Nga vẫn chưa phát biểu bất cứ điều gì trước sự kiện chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bị sụp đổ tại Syria từ hơn một tuần trước, thậm chí ngay cả khi Moscow đang nỗ lực cứu vãn ảnh hưởng của mình ở Trung Đông.
Sự im lặng khác thường này cho thấy tương lai không chắc chắn liên quan tới các căn cứ quân sự của Nga tại Syria và dường như ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với Điện Kremlin là cuộc chiến ở Ukraine.
Mọi thứ có vẻ đã rất khác so với thời điểm một năm trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là ông Sergei Shoigu luôn mạnh mẽ khẳng định Quân đội Nga vẫn sẽ triển khai ở cả Syria và Karabakh – vùng lãnh thổ ly khai mà Azerbaijan đã giành lại quyền kiểm soát từ lực lượng thân Armenia hồi tháng 9/2023.
“Các đơn vị thuộc lực lượng Nga vẫn giữ vai trò trụ cột và là sự bảo đảm chính cho hòa bình ở Syria và Karabakh”, ông Shoigu phát biểu trong cuộc họp hội đồng quốc phòng Nga vào thời điểm này năm ngoái.
Giờ đây, sự kiện Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ có thể sẽ trở thành một trở ngại lớn hơn nữa trong nỗ lực khôi phục vị thế cường quốc của Nga mà ông Putin đang theo đuổi.
Anton Mardasov, nhà phân tích quân sự chuyên về tình hình Trung Đông làm việc ở Moscow, nhận định rằng kịch bản tốt nhất đối với Nga lúc này là nên giảm bớt quy mô hiện diện tại căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus bên bờ Địa Trung Hải.
Làm như vậy sẽ vẫn giúp Nga duy trì được một cơ sở tiếp nhiên liệu và trung chuyển cho các hoạt động quân sự có giới hạn tại khu vực cũng như ở châu Phi.
Tất nhiên, viễn cảnh này sẽ không đáp ứng đầy đủ tham vọng của ông Putin nêu ra trước đây khi muốn khuếch trương sức mạnh tới cửa ngõ NATO.
Phi đội máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga từng thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở Syria vào năm 2021, một tín hiệu cho thấy ông Putin coi sự hiện diện của quân đội Nga tại quốc gia này là thành trì để đối phó với phương Tây.
Tuy nhiên, theo ông Mardasov, tình hình an ninh hiện nay tại Syria nhiều khả năng sẽ diễn biến căng thẳng khiến Nga không thể đưa những phương tiện có thể mang vũ khí hạt nhân tới đây, ngay cả khi đạt được một thỏa thuận với chính quyền mới ở Damascus.
“Những tiền đồn có tính đe dọa đến sườn phía Nam NATO như vậy đã biến mất 100%. Ngay cả khi Nga cố gắng duy trì sự hiện diện thì điều đó cũng chỉ mang tính biểu tượng là chính”, ông Mardasov nói thêm.
Tại Syria những ngày gần đây, Nga dường như đã thu hẹp sự hiện diện của mình khi nhiều đoàn xe chở quân đồn trú trên khắp đất nước được nhìn thấy đang rút về hai căn cứ Hmeymim và Tartus. Hình ảnh vệ tinh tuần trước còn cho thấy thiết bị quân sự của Nga đang được đóng gói để đưa lên máy bay vận tải.
Trên thực tế, các quan chức Nga đã tìm cách tiếp cận Hayat Tahrir al-Sham, lực lượng vũ trang đứng đầu chiến dịch tấn công lật đổ Tổng thống Assad.
Hôm thứ 16/12, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, vẫn nói với các phóng viên rằng “chưa có quyết định cuối cùng” nào liên quan tới tương lai hiện diện quân sự của Nga tại Syria.
Trong khi đó, truyền hình nhà nước Nga tìm cách khỏa lấp sự im lặng bằng tuyên bố Nga đã hoàn tất sứ mệnh của mình tại Syria và cho rằng bất kỳ bất ổn nào tại đây “là do lỗi của phương Tây”.
Trong bản tin hàng tuần nổi tiếng trên kênh Rossiya hôm chủ nhật, người dẫn chương trình Dmitry Kiselyov cho biết Nga đã liên lạc với các nhà lãnh đạo của phe đối lập vũ trang Syria và cả hai bên đều thể hiện “sự kiềm chế lẫn nhau”.
“Nga tìm mọi cách có thể nhằm mang lại sự hòa bình và ổn định ở Syria”, ông Kiselyov nói. “Nước Nga cần có lập trường thực tế”.
Theo: Dân Trí