Mới đây, Bộ trưởng Y tế Bang Queensland (Australia) thông báo, Phòng thí nghiệm Virus học của địa phương bị thất lạc 323 ống chứa nhiều loại virus truyền nhiễm.
Theo báo cáo, có 98 ống chứa virus Hendra, 223 ống chứa Lyssavirus và 2 ống chứa Hantavirus đã bị mất khỏi phòng thí nghiệm vào tháng 8/2023.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Úc cho biết, Hantavirus có thể gây ra triệu chứng bệnh nghiêm trọng dẫn đến tử vong, Lyssavirus là nhóm virus có thể gây bệnh dại, trong khi Hendra là một loại virus lây truyền từ động vật sang người.
Sau khi sự việc vi phạm nghiêm trọng các giao thức an toàn sinh học xảy ra, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Sở Y tế Queensland tiến hành điều tra Phòng thí nghiệm Virus học của tiểu bang, đồng thời tìm cách ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra lần nữa.
3 loại virus thất lạc nguy hiểm thế nào?
Mặc dù hiện không phát hiện người dân bị lây nhiễm, phía Phòng thí nghiệm vẫn chưa thể xác định các ống chứa virus trên có bị lấy khỏi nơi lưu trữ an toàn, hay bị tiêu hủy hay không.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng lo ngại dịch bệnh có thể lây lan ra ngoài môi trường và các nước khác, nếu virus bị vận chuyển xuyên biên giới.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, Lyssavirus được nhắc đến trong sự việc nêu trên là virus gây bệnh dại ở loài dơi ở Úc.
Bệnh chủ yếu xuất hiện trên động vật (loài dơi), và cho đến nay mới chỉ có 2 ca tử vong do Lyssavirus trên người (ở bang Queensland, Australia), với trường hợp gần nhất vào năm 1998.
“Tuy nhiên, cũng cần lưu ý Lyssavirus mặc dù cùng họ với virus dại, nhưng không phải là loại gây bệnh dại ở chó, và bệnh dại truyền từ loài dơi ở các quốc gia ngoài đến Úc”, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Với Hendra, đây là loại virus hiếm gặp được phát hiện lần đầu tiên tại Úc. Virus này chủ yếu lây từ động vật, đặc biệt là từ dơi. Virus Hendra có thể gây ra những triệu chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Vào năm 1994, dịch bệnh do virus Hendra bùng phát, khiến một số con ngựa ở Úc và các huấn luyện viên của chúng thiệt mạng do nhiễm bệnh phổi nghiêm trọng, với các triệu chứng xuất huyết.
Đến tháng 11/2012, các nhà khoa học đã phát triển thành công vaccine phòng chống virus Hendra cho ngựa. Điều này đã giúp giảm thiểu sự lây lan của virus từ ngựa sang người.
Còn Hantavirus sống chủ yếu trong cơ thể các loài động vật gặm nhấm, đặc biệt là ở chuột. Virus này được tìm thấy đầu tiên tại Hàn Quốc.
Cơ chế sinh bệnh của Hanta hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Virus này gây bệnh trên người thường đa dạng, có thể là nhiễm trùng không triệu chứng hoặc các thể lâm sàng có mức độ khác nhau.
2 thể lâm sàng biểu hiện nặng khi nhiễm Hantavirus là hội chứng phổi (HPS) và hội chứng thận kèm theo sốt xuất huyết (HFRS).
Có đáng lo ngại ở Việt Nam?
Trước ý kiến lo ngại nguy cơ virus có thể lan truyền gây nguy hại sức khỏe cho người dân, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định, việc lo ngại là không cần thiết, vì nhiều lý do.
Thứ nhất, trong trường hợp các lọ chứa virus bị thất lạc ra bên ngoài, virus sẽ bị phá hủy bởi nhiệt độ môi trường, vì chúng không còn nằm ở trong cơ thể sống (như khi virus sống trong con dơi).
Thứ hai, các loại virus trong ống nghiệm nêu trên là virus chưa có đột biến, chưa được biến đổi để tăng cường chức năng, nên không khác gì virus trong tự nhiên.
Trong khi đó, chúng đã hiện diện phổ biến ở động vật hoang dại ở Úc. Vì vậy, nếu các virus này có bị lây lan ra ngoài môi trường cũng không tăng thêm nguy cơ cho nước sở tại.
Thứ ba, việc thất lạc này chỉ có nguy cơ khi các ống đựng virus có người mở ra và bị lây nhiễm. Nhưng cho đến nay, cơ quan chức năng ở Australia chưa phát hiện ca bệnh nào.
“Trong trường hợp có lây lan cho người mà không phát hiện được, các virus cũng không lây cho người khác, vì đây là bệnh từ loài vật truyền sang người, chứ không phải là bệnh từ người truyền sang người. Chúng ta sống ở Việt Nam thì càng không có lý do gì để lo lắng”, chuyên gia y tế công cộng khẳng định.
TPHCM tăng cường phòng chống bệnh viêm phổi nặng do virus
Sở Y tế TPHCM gần đây đã ra công văn về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm phổi nặng do virus.
Nội dung công văn cho biết, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và một số bệnh viện chuyên khoa nhiễm, nhi trên địa bàn, thời gian qua đã ghi nhận các trường hợp viêm phổi nhập viện.
Đặc biệt, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận và điều trị ca bệnh cúm A (H5) được chuyển từ tỉnh Long An đến.
Trước tình hình, diễn tiến bệnh qua đường hô hấp có chiều hướng khó lường, Sở Y tế đề nghị thủ trưởng các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố tập trung triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch cụ thể như sau:
Khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế.
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế về công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên người theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 3118/KH-SYT ngày 12/4 về phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên người tại TPHCM và Công văn số 239/SYT-NVY ngày 9/1 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Tiếp tục thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Sở Y tế tại Công văn số 4062/SYT-NVY ngày 10/5 về quy trình báo cáo các tình huống dịch bệnh khẩn cấp.
Sở Y tế TPHCM giao HCDC chủ trì, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện các hoạt động giám sát những trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP) trên địa bàn Thành phố đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
HCDC định kỳ báo cáo Ban Giám đốc Sở Y tế kết quả giám sát và đề xuất các nội dung nhắc nhở, chấn chỉnh những đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm.
Theo: Dân Trí