NSND Lan Hương “Em bé Hà Nội” sống an vui ở tuổi 61

NSND Lan Hương sinh năm 1963 tại Hà Nội. Năm 10 tuổi, bà từng tham gia phim Em bé Hà Nội của đạo diễn Hải Ninh. Năm 15 tuổi, Lan Hương trúng tuyển lớp diễn viên khóa 1 của Nhà hát Tuổi trẻ cùng với các nghệ sĩ Chí Trung, Lê Khanh, Minh Hằng, Anh Tú…

Từ năm 2002, NSND Lan Hương theo học ngành Đạo diễn sân khấu. Bà cũng là một trong số ít diễn viên gắn bó với kịch hình thể, từng là Trưởng đoàn kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ.

Năm 2007, bà được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2018, bà nghỉ hưu tại Nhà hát Tuổi trẻ.

NSND Lan Hương Em bé Hà Nội sống an vui ở tuổi 61 - 1

Từ trái sang: NSND Ngọc Huyền, NSND Lan Hương, NSƯT Nguyệt Hằng tại sự kiện (Ảnh: Ban tổ chức).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về cuộc sống của mình, NSND Lan Hương cho biết, về hưu nhưng bà khá bận rộn vì vẫn tham gia thỉnh giảng ở trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh.

“Tôi dạy lớp Đạo diễn sự kiện trong trường, việc được giảng dạy là ước mơ nhiều năm nay rồi. Có lẽ, tôi có khả năng tưởng tượng, mơ mộng một chút nên thích môn này. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn được truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ.

Đạo diễn sự kiện là một nghề hơi… điên điên. Họ có thể nghĩ ra những ý tưởng kỳ lạ, vì thế tôi cũng muốn sinh viên của mình có những sáng tạo không giống ai để có những chương trình hay và đặc biệt”, bà chia sẻ. 

Ở tuổi 61, NSND Lan Hương vẫn trẻ trung. Bà tận hưởng cuộc sống tuổi lục tuần với hôn nhân viên mãn bên đạo diễn Tất Bình. Thời gian rảnh, Lan Hương tham gia một số sự kiện thời trang.

Mới đây, NSND Lan Hương cùng NSND Ngọc Huyền, NSƯT Nguyệt Hằng… quy tụ tại sự kiện giới thiệu bộ sưu tập Âm vọng  của NTK Ngọc Lan ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Nữ nghệ sĩ diện bộ áo dài lụa tơ tằm cao cấp với tông màu xanh ngọc sang trọng, trên thân áo thêu tay hình chim phượng cùng hoa lá thể hiện sức sống của mùa xuân.

Tại sự kiện, NSND Ngọc Huyền diện bộ áo dài tông màu trắng ngà đơn giản nhưng quý phái. Trên cổ áo, NTK Ngọc Lan tạo điểm nhấn bằng những chi tiết đính kết ngọc trai.

NSND Ngọc Huyền tâm sự, để giữ vóc dáng thanh xuân, chị luôn chú trọng tập luyện thể dục thể thao, kết hợp cùng chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe. Tinh thần vui vẻ cũng là một trong những cách để chị trông trẻ trung. 

Ngoài thời gian dành cho gia đình, Ngọc Huyền tham gia nhiều hoạt động với nhóm hưu trí trong khu dân cư hay nhóm bạn thân từng là đồng nghiệp tại Nhà hát Tuổi Trẻ.

NSND Lan Hương Em bé Hà Nội sống an vui ở tuổi 61 - 2

NSƯT Nguyệt Hằng rạng rỡ tại buổi trình diễn “Âm vọng” (Ảnh: Ban tổ chức).

Buổi diễn còn có sự tham gia của NSƯT Nguyệt Hằng. Nữ diễn viên tôn nét đẹp đằm thắm, kiêu sa qua mẫu áo dài với phom dáng truyền thống, thêu họa tiết hoa sen tinh xảo.

Chị kết hợp cùng áo choàng nhung the cùng họa tiết với tông màu đỏ đun phù hợp với không khí Tết đến xuân về.

Thanh Huế – Người vào vai Tuyết “nương tử” trong phim Độc đạo vừa qua góp mặt trên hàng ghế đầu của buổi trình diễn. Cô khoe vóc dáng mảnh mai, nhan sắc yêu kiều qua mẫu áo dài trắng thêu họa tiết hoa sen.

Những hình thêu thủ công tỉ mỉ trên thân áo là niềm tự hào của NTK Ngọc Lan trong 20 năm làm nghề.

Diễn viên Huyền Thạch có mối quan hệ thân thiết với NTK Ngọc Lan nên thường đến ủng hộ các sự kiện của nhà thiết kế.

Cô thích thú với những mẫu trang phục mới được nhà mốt giới thiệu và chọn lựa những trang phục mới để diện vào mùa xuân.

NSND Lan Hương Em bé Hà Nội sống an vui ở tuổi 61 - 3

Hai diễn viên Thanh Huế (trái) và Huyền Thạch (Ảnh: Ban tổ chức).

Bộ sưu tập Âm vọng của NTK Ngọc Lan được ra mắt trong chuỗi hoạt động thuộc triển lãm Âm vọng – Từ Cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại, lấy cảm hứng từ hình đúc nổi của chín Cửu đỉnh đặt trong sân Đại Nội – Hoàng thành Huế. 

Thông qua nghệ thuật thêu thùa trên bộ sưu tập mới, Ngọc Lan muốn giới thiệu Cửu đỉnh đến nhiều đối tượng khác nhau bằng một hình thức mới, nhằm giúp di sản đặc biệt của lịch sử văn hóa Việt Nam được biết đến nhiều hơn trong đời sống hiện đại.

“Hy vọng bộ sưu tập của tôi sẽ góp phần nhỏ bé trong công cuộc bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, từ đó phát huy và sáng tạo những sản phẩm văn hóa nghệ thuật đương đại có bản sắc dân tộc, có tính ứng dụng cao”, Ngọc Lan tâm sự. 

Cửu đỉnh là một trong những di sản văn hóa đặc biệt của triều Nguyễn, năm 2012 đã được Thủ tướng chính phủ ký quyết định xếp hạng là bảo vật quốc gia.

Đó là chín chiếc đỉnh đồng được vua Minh Mạng cho đúc năm 1835 để làm một biểu tượng về sức mạnh trường tồn của triều đại, về sự hưng thịnh của quốc gia Đại Nam.

Trên mỗi đỉnh có 17 hình đúc nổi về 9 thiên tượng, 9 núi, 9 sông, 9 con vật, 9 cây thuốc… như một cuốn bách khoa toàn thư về thời kỳ Đại Nam tươi đẹp và thống nhất. 

Theo: Dân Trí