Luật pháp Nga mở đường công nhận phe đối lập tại Syria

Luật pháp Nga mở đường công nhận phe đối lập tại Syria - 1

Lực lượng đối lập tại Syria sau khi chính quyền Assad bị lật đổ (Ảnh: Reuters).

Luật mới, được Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) thông qua hôm 17/12, cho phép một tổ chức được xóa khỏi danh sách cấm của Nga theo lệnh tòa án nếu nhóm đó chấm dứt các hoạt động liên quan đến khủng bố.

Hôm 16/12, lãnh đạo khu vực Hồi giáo Chechnya của Nga, ông Ramzan Kadyrov, đã kêu gọi loại bỏ nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) của Syria khỏi danh sách các tổ chức khủng bố bị cấm của Moscow. HTS được cho là lực lượng đi đầu trong việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong tháng này.

Ông Kadyrov, một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, cho biết Nga cần thiết lập quan hệ với chính quyền mới ở Syria để đảm bảo sự ổn định và ngăn chặn thảm họa nhân đạo.

Điện Kremlin tuần này cho biết Nga đã liên lạc với lãnh đạo mới ở Syria, nơi họ hy vọng giữ được quyền sử dụng một sân bay và một căn cứ hải quân, qua đó duy trì vị thế quân sự quan trọng ở Địa Trung Hải.

Moscow nhận thấy mối đe dọa an ninh lớn từ các nhóm chiến binh Hồi giáo tại một loạt quốc gia từ Afghanistan đến Trung Đông, nơi Nga đã mất đi một đồng minh quan trọng sau sự sụp đổ của chính quyền Assad.

Taliban là một trong những nhóm đầu tiên bị liệt vào danh sách này vào tháng 2/2003, trong khi nhóm đối lập HTS của Syria được thêm vào năm 2020.

Hiện chưa có quốc gia nào công nhận Taliban tại Afghanistan, nhóm đã giành quyền kiểm soát vào tháng 8/2021 sau khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu tiến hành rút quân trong hỗn loạn sau 20 năm chiến tranh.

Tuy nhiên, Nga đã dần xây dựng quan hệ với Taliban, mà Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 7 gọi là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong khi đó, Taliban cho biết họ đang nỗ lực xóa bỏ sự hiện diện của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Afghanistan.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, con đường để Taliban được quốc tế công nhận rộng rãi sẽ còn bị đình trệ cho đến khi lập trường của họ về quyền phụ nữ được thay đổi.

Taliban đã đóng cửa các trường trung học và đại học đối với nữ giới, đồng thời áp đặt hạn chế về quyền di chuyển nếu không có người giám hộ nam. Họ tuyên bố tôn trọng quyền phụ nữ theo cách diễn giải nghiêm ngặt của luật Hồi giáo.

Theo: Dân Trí