Doanh nghiệp toàn cầu tăng tốc đầu tư bền vững
Báo cáo CxO 2024 về phát triển bền vững của Deloitte cho thấy các doanh nghiệp toàn cầu ngày càng coi biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu, vượt qua cả các thách thức như bất ổn địa chính trị và cạnh tranh nhân tài.
Với tỷ lệ 85% lãnh đạo doanh nghiệp (CxO) tăng cường đầu tư bền vững trong năm qua, báo cáo cho thấy làn sóng chuyển đổi mới trong chiến lược kinh doanh để đối phó với các tác động từ khí hậu.
Khảo sát với hơn 2.100 lãnh đạo doanh nghiệp tại 27 quốc gia cho thấy 70% lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán biến đổi khí hậu sẽ tác động ở mức cao hoặc rất cao đến chiến lược và hoạt động của họ trong 2 năm tới.
Đặc biệt, gần một nửa lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đang chuyển đổi mô hình kinh doanh để đối phó với biến đổi khí hậu và đưa phát triển bền vững trở thành trọng tâm trong chiến lược của tổ chức.
“Thật đáng khích lệ khi thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư bền vững năm nay, đặc biệt khi các tổ chức tận dụng công nghệ để thúc đẩy các giải pháp vì khí hậu” ông Joe Ucuzoglu, CEO Deloitte toàn cầu, nhận định trong báo cáo.
Ông nhấn mạnh rằng hành động vì khí hậu không chỉ giúp giải quyết các thách thức môi trường mà còn tạo ra giá trị mới và lợi thế cạnh tranh khác biệt so với các đối thủ trong một thị trường ngày càng phức tạp.
Theo báo cáo, công nghệ đóng vai trò trung tâm trong quá trình khử carbon. Hiện nay, 50% các tổ chức đã triển khai các giải pháp công nghệ nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu, trong khi 42% khác dự kiến sẽ thực hiện trong hai năm tới. Những công nghệ này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm phát thải mà còn tạo điều kiện phát triển các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.
Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng rằng đổi mới sáng tạo sẽ là thành quả nổi bật nhất từ các nỗ lực bền vững trong 5 năm tới, với hơn 50% tập trung vào việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.
Lợi ích kinh doanh từ chuyển đổi bền vững
Hành động vì khí hậu không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt. Báo cáo chỉ ra rằng các tổ chức đang nhận thấy những tác động tích cực từ việc phát triển bền vững, như cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng (37%) và tăng tỷ suất lợi nhuận (37%).
Ngoài ra, phát triển bền vững còn giúp các doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài. Thế hệ trẻ, đặc biệt là gen Z và Millennial, ngày càng ưu tiên làm việc tại các công ty có cam kết mạnh mẽ với môi trường. Điều này trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược nhân sự của doanh nghiệp khi bước vào giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Dù đã có những bước tiến rõ rệt nhưng mức độ hành động vì khí hậu vẫn còn chênh lệch giữa các doanh nghiệp. Chỉ 17% tổ chức thuộc nhóm tiên phong với nhiều sáng kiến đột phá, trong khi hơn 25% doanh nghiệp vẫn chỉ dừng ở mức tối thiểu.
Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhóm trung bình đang dần tăng cường quy mô và phạm vi hành động, đặt nền móng cho những tác động lớn hơn về phát triển bền vững trong tương lai.
Lãnh đạo các doanh nghiệp đang bắt đầu nhận thấy nhiều lợi ích hữu hình hơn từ việc triển khai các hành động vì khí hậu. Từ đó họ có thể thấy được phát triển bền vững là động lực thúc đẩy các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh và tổng thể quá trình tạo ra giá trị.
Khi ngày càng nhiều tổ chức nhận ra giá trị kinh doanh từ phát triển bền vững, doanh nghiệp kiểm toán trên khuyến nghị các công ty cần suy nghĩ toàn diện hơn để tối đa hóa tác động. Điều này bao gồm việc đầu tư vào công nghệ, hợp tác với các đối tác chiến lược và xây dựng chiến lược dài hạn để phát triển trong nền kinh tế phát thải thấp.
Theo: Dân Trí