“Hệ thống Oreshnik, vốn đã chứng minh được khả năng của chúng, rất mạnh. Tôi muốn nhắc lại điều đó và các chuyên gia đã biết điều đó. Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga ở đây, ông ấy tin như vậy và đã nói với tôi về điều đó”, Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp hội đồng Bộ Quốc phòng Nga hôm 16/12.
Theo nhà lãnh đạo Nga, việc sử dụng đồng thời các hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới có sức mạnh tương đương vũ khí hạt nhân.
“Trong trường hợp sử dụng phức tạp, sử dụng nhóm nhiều hệ thống cùng lúc, nó sẽ tương đương với vũ khí hạt nhân”, ông Putin cho biết.
Tuy nhiên, ông Putin khẳng định vũ khí này “không phải vũ khí hạt nhân”, không có nhiên liệu hạt nhân, không có thành phần hạt nhân.
Theo tổng thống Nga, đây là yếu tố rất quan trọng để quyết định loại vũ khí nào sẽ sử dụng trong bối cảnh hiện đại.
Phát biểu tại cuộc họp có sự tham gia của các quan chức quốc phòng, Tổng thống Putin tuyên bố hệ thống tên lửa Oreshnik là một phần quan trọng trong các biện pháp đáp trả của Moscow đối với quyết định triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở Tây Âu.
Ông Putin cáo buộc Mỹ đang phát triển các hệ thống tầm trung và có ý định triển khai chúng ở châu Âu và châu Á, làm suy yếu an ninh của Nga.
“Mục tiêu ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo phát hiện nhanh chóng các vụ phóng tên lửa như vậy và đánh chặn chúng. Đồng thời, chúng tôi cần xử lý tất cả vấn đề liên quan đến sản xuất hàng loạt và triển khai các hệ thống tấn công tương tự được sản xuất trong nước, bao gồm cả các hệ thống siêu vượt âm”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Vào tháng 11, Nga đã phóng tên lửa Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine để đáp trả các vụ tấn công của Kiev bằng vũ khí tầm xa của phương Tây vào Nga.
Tổng thống Putin ngay sau đó cho biết đây là tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới được thử nghiệm trong điều kiện tác chiến. Tên lửa này có tốc độ gấp 10 lần âm thanh, khiến nó gần như không thể đánh chặn.
Mặc dù không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng Oreshnik vẫn có khả năng gây ra sự hủy diệt lớn mà không cần sử dụng năng lượng hạt nhân.
Vào tháng 11, Nga đã chính thức sửa đổi học thuyết hạt nhân, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo tài liệu này, Moscow có quyền triển khai kho vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường nếu cuộc tấn công đó gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và/hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Nga”.
Tổng thống Putin đã cảnh báo việc sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp sẽ “thay đổi đáng kể bản chất” của cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh các hệ thống vũ khí tinh vi như vậy không thể được vận hành nếu không có sự tham gia trực tiếp của lực lượng NATO.
Theo: Dân Trí