Phương pháp làm giảm nguy cơ tử vong cho người ung thư trực tràng đã di căn

Mới đây, bà K. (60 tuổi, ngụ TPHCM) phải đi cấp cứu trong tình trạng đau bụng cấp và sốt lạnh run.

Bệnh nhân cho biết, 10 ngày trước đó đã mổ viêm phúc mạc toàn thể ung thư trực tràng di căn gan có biến chứng vỡ bướu. Bà được rửa bụng, dẫn lưu lỗ thủng ra da, và đặt hậu môn nhân tạo đại tràng. Sau khi tái khám và được bơm rửa các ống dẫn lưu, bệnh nhân xuất hiện tình trạng như trên.

Sau khi thăm khám, kết hợp các xét nghiệm cũng như chụp CT bụng, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Khoa, khoa Ngoại Tổng quát nhận định, bệnh nhân có các vấn đề như: trực tràng hẹp lòng gần như hoàn toàn, nhiễm trùng ổ bụng do phân, suy dinh dưỡng, hiện vẫn còn ống dẫn lưu trực tràng, dẫn lưu bụng.

Phương pháp làm giảm nguy cơ tử vong cho người ung thư trực tràng đã di căn - 1

Bác sĩ tiến hành nội soi trực tràng cho bệnh nhân (Ảnh: BV).

Bệnh nhân cần giải quyết các vấn đề nhiễm trùng, nâng đỡ dinh dưỡng, và phải được rút các ống dẫn lưu thì mới có thể hóa trị, cũng như đánh giá lại khả năng phẫu thuật. Ban đầu, các bác sĩ tiến hành nội soi đặt ống thông từ hậu môn ngược lên, nhưng do bướu hẹp khiến lòng ống thông không lên được.

Lúc này, ekip điều trị nghĩ đến việc đặt 1 stent xuyên qua lòng trực tràng của bệnh nhân. Sau khi bệnh viện tư vấn các lợi ích, những tình huống có thể xảy ra, nữ bệnh nhân đồng ý tiến hành đặt stent kim loại tự bung qua vị trí khối u, để giúp giải áp và khơi thông đường tiêu hóa.

Ca can thiệp được thực hiện trong khoảng 60 phút. Sau hai tuần điều trị, bệnh nhân xuất viện với tình trạng ổn định, có thể tự đi lại được và tinh thần khá lên để tiếp tục phác đồ điều trị ung thư trực tràng.

Theo bác sĩ Khoa, kỹ thuật đặt stent được xem là lựa chọn trì hoãn phẫu thuật để điều trị hồi sức, nâng đỡ tổng trạng cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng có biến chứng tắc hoặc bán tắc ruột, điều trị giảm nhẹ cho những trường hợp không thể phẫu thuật.

Phương pháp làm giảm nguy cơ tử vong cho người ung thư trực tràng đã di căn - 2

Hình ảnh trực tràng đã được đặt stent thành công (Ảnh: BV).

Phương pháp này không chỉ giảm nguy cơ tử vong và biến chứng, mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Hiện nay, kỹ thuật này đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu.

Ngoài ung thư đại trực tràng, đặt stent đường tiêu hóa còn dùng trong điều trị các bệnh lý như: hẹp thực quản do ung thư, điều trị tạm thời nong chỗ hẹp miệng nối trực tràng sau phẫu thuật…

Các bác sĩ cảnh báo, ung thư trực tràng nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đa số trường hợp mắc bệnh đều phát hiện ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong can thiệp và tốn kém chi phí.

Vì vậy, mọi người cần chú ý kiểm tra sức khỏe ngay khi xuất hiện các dấu hiệu như tiêu chảy hoặc táo bón thất thường, đi tiêu ra máu hoặc phân có màu đen, đầy hơi, chướng bụng, thiếu máu, mệt mỏi, sụt cân…

“Ngay cả khi bạn hoàn toàn khỏe mạnh vẫn nên thực hiện tầm soát ung thư trực tràng định kỳ qua nội soi, để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời”, bác sĩ chia sẻ.

Theo: Dân Trí