Động thái mới của Nga ở Syria sau “cơn địa chấn” rung chuyển Trung Đông

Động thái mới của Nga ở Syria sau cơn địa chấn rung chuyển Trung Đông - 1

Binh lính Nga ở Syria (Ảnh: Getty).

Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết, Nga đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với chính quyền mới ở Syria về việc duy trì các căn cứ quân sự của Moscow tại nước này.

Kể từ khi phe đối lập tuyên bố lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vào ngày 8/12, Nga đã tích cực củng cố vị thế trong khu vực, thích nghi với thực tế chính trị mới.

Theo Bloomberg, các cuộc đàm phán giữa Nga và chính quyền mới của Syria liên quan đến việc tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ sở quân sự quan trọng của Nga tại Syria, gồm căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus. Các căn cứ này đóng vai trò chiến lược đối với Nga, cho phép Moscow củng cố sự hiện diện quân sự ở phía đông Địa Trung Hải và duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông.

Các nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra trong bối cảnh khó khăn, khi các nhà lãnh đạo mới ở Syria, được một số nước phương Tây hậu thuẫn, đang cân nhắc đàm phán lại các thỏa thuận trước đó với Moscow. Tuy nhiên, Nga đã nhấn mạnh vai trò của nước này trong việc duy trì sự ổn định trong khu vực và đã đề nghị tiếp tục hợp tác về quân sự – kỹ thuật với chính quyền mới.

Các chuyên gia lưu ý rằng việc duy trì các căn cứ quân sự của Nga tại Syria là ưu tiên của Điện Kremlin, vì các căn cứ này không chỉ là biểu tượng cho ảnh hưởng của Moscow trong khu vực mà còn mang lại cho Nga những cơ hội chiến lược quan trọng.

“Các cơ sở quân sự ở Syria là yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga, không chỉ cho phép thể hiện sức mạnh mà còn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu”, nguồn tin của trang tin Avia.pro lưu ý.

Đổi lại, chính quyền Syria mới quan tâm đến việc thu hút viện trợ quốc tế để giúp tái thiết đất nước sau nhiều năm nội chiến. Điều này mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán mà Nga có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để đạt được các thỏa thuận có lợi.

Trong khi đó, các nước phương Tây đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Mỹ và các đồng minh lo ngại rằng Moscow có thể vẫn duy trì vị thế quân sự ngay cả sau khi quyền lực ở Damascus thay đổi. Điều này có thể làm gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng ở Syria và Trung Đông.

Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad đã trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với chính sách ngoại giao và chiến lược quân sự của Nga trong khu vực. Tuy nhiên, các hành động của Điện Kremlin cho thấy Moscow đã sẵn sàng thích nghi với các điều kiện mới để bảo vệ lợi ích của mình.

Tình hình ở Syria vẫn bất ổn và những bước đi tiếp theo của Nga và chính quyền Syria mới sẽ có tác động đáng kể đến tình hình địa chính trị ở Trung Đông.

Điện Kremlin ngày 11/12 xác nhận Tổng thống Assad đã rời khỏi Syria và đến Moscow sau khi lực lượng đối lập chiếm thủ đô Damascus trong một cuộc tấn công chớp nhoáng gây chấn động thế giới.

Việc Nga tuyên bố cấp quyền tị nạn cho Tổng thống Assad không phải là điều đáng ngạc nhiên. Điện Kremlin đã đầu tư rất nhiều vào việc hỗ trợ quân sự cho chính quyền Syria kể từ năm 2015, khi các cuộc không kích của Nga vào lực lượng đối lập, giúp chính quyền Tổng thống Assad củng cố quyền lực. Đồng thời, Nga duy trì các hoạt động quân sự tại Syria, bao gồm hai căn cứ thường trực.

Khi chính quyền Tổng thống Assad bị lật đổ và phe đối lập lên nắm quyền, nhiều nghi vấn cho rằng khí tài của Nga ở Syria, chìa khóa để thể hiện sức mạnh quân sự của Moscow trong khu vực và trên trường quốc tế, đang bị đe dọa.

Tình báo Ukraine ngày 10/12 đưa tin Nga đã bắt đầu rút một số thiết bị quân sự khỏi Syria. Tuy nhiên, Moscow chưa lên tiếng về thông tin này.

Ngoài việc gây tổn hại đến uy tín quốc tế của Nga, bất kỳ cuộc rút quân nào cũng khiến các nhà quan sát suy đoán về sự suy yếu trong khả năng tiếp tục hoạt động của Nga trên khắp châu Phi.

Tuy nhiên hiện tại, quân đội Nga vẫn ở lại các căn cứ, dường như Điện Kremlin đang chờ đợi việc thành lập một chính quyền Syria mới.

Theo: Dân Trí