Ông Trump có thể đảo ngược quyền quốc tịch Mỹ theo nơi sinh?

Ông Trump có thể đảo ngược quyền quốc tịch Mỹ theo nơi sinh? - 1

Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn nước Mỹ từ bỏ nguyên tắc quốc tịch theo nơi sinh (Ảnh: Reuters).

Nguyên tắc quốc tịch theo nơi sinh mà Mỹ đang áp dụng có nghĩa mọi cá nhân sinh ra tại Mỹ đương nhiên trở thành công dân Mỹ, bao gồm con cái những người nhập cảnh trái phép vào Mỹ và những người đến Mỹ để du lịch hoặc học tập. Ngoại lệ hiếm hoi là con cái các nhà ngoại giao.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và những người ủng hộ lập luận quy tắc quốc tịch theo nơi sinh đang bị lạm dụng và nước Mỹ nên áp dụng các quy tắc chặt chẽ hơn trong cấp quyền công dân. Tuy nhiên, việc đảo ngược chính sách sẽ không dễ dàng do nguyên tắc đã là một phần của Hiến pháp Mỹ.

Tuyên bố của ông Trump

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 8/12 trên đài NBC, ông Trump tuyên bố “chắc chắn” có kế hoạch chấm dứt chính sách cấp quốc tịch theo nơi sinh khi đắc cử.

“Chúng ta sẽ chấm dứt điều này vì nó thật lố bịch”, Tổng thống đắc cử Mỹ nói.

Ông Trump và phe phản đối quyền quốc tịch theo nơi sinh lập luận chính sách này khuyến khích người nước ngoài tới Mỹ trái phép hoặc tham gia các chuyến “du lịch sinh đẻ” – khi phụ nữ mang thai tới Mỹ chỉ để đẻ con, giúp đứa trẻ có quốc tịch Mỹ trước khi trở về nước.

Ông Eric Ruark, Giám đốc Nghiên cứu của nhóm vận động chống nhập cư NumbersUSA cho biết, nhóm đang vận động thay đổi chính sách theo hướng đứa trẻ chỉ tự động được cấp quốc tịch Mỹ nếu bố hoặc mẹ là công dân hoặc người thường trú tại Mỹ.

Tuy nhiên, một số người khác lập luận việc chấm dứt nguyên tắc quốc tịch theo nơi sinh sẽ gây tác hại cho nước Mỹ.

“Một trong những lợi ích lớn đối với chúng ta là những người sinh ra tại đây là công dân và không phải một tầng lớp dưới bất hợp pháp. Nhờ quyền công dân theo nơi sinh, người nhập cư và con cái họ có thể hòa nhập tốt hơn”, ông Alex Nowrasteh, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu chính sách kinh tế – xã hội tại viện nghiên cứu Cato Institute có xu hướng ủng hộ nhập cư, nói.

Năm 2019, Viện Chính sách Nhập cư Mỹ (MPI) ước tính khoảng 5,5 triệu trẻ em dưới 18 tuổi sống với ít nhất một cha/mẹ nhập cư trái phép vào Mỹ – tương ứng với khoảng 7% tổng số trẻ em tại Mỹ. Đa số trẻ em này là công dân Mỹ.

Trước đó, khi ông Trump tranh cử tổng thống năm 2015 với khẩu hiệu bài nhập cư, MPI từng đánh giá số lượng người sinh sống trái phép tại Mỹ sẽ tăng mạnh nếu quyền quốc tịch theo nơi sinh bị đảo ngược, tạo ra “một tầng lớp bị loại khỏi tư cách thành viên trong xã hội trong nhiều thế hệ”.

Hiến pháp Mỹ quy định thế nào?

Sau khi Nội chiến Mỹ kết thúc, quốc hội Mỹ tháng 7/1868 phê chuẩn tu chính án thứ 14 với mục đích đảm bảo quyền công dân cho mọi người, bao gồm người da màu.

“Tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Mỹ hoặc được nhập quốc tịch ở Mỹ và thuộc thẩm quyền tài phán ở đó, đều là công dân Mỹ và của bang mà họ sinh sống. Không một bang nào được ban hành hoặc thực thi bất cứ đạo luật nào nhằm hạn chế đặc quyền hoặc quyền bất khả xâm phạm của công dân Mỹ”, Tu chính án thứ 14 viết.

Tuy vậy, tu chính án thứ 14 không phải lúc nào cũng đảm bảo quyền công dân cho mọi cá nhân sinh ra tại Mỹ. Ví dụ, phải đến năm 1924, quốc hội Mỹ mới cấp quyền công dân cho mọi người Mỹ bản địa sinh ra trên lãnh thổ Mỹ.

Ông Trump có thể đảo ngược quyền quốc tịch Mỹ theo nơi sinh? - 2

Một nhân viên lực lượng tuần tra biên giới tại bang California, Mỹ và những người nhập cư từ Mexico, hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters).

Một án lệ then chốt liên quan tới quyền công dân diễn ra năm 1898 khi Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố ông Wong Kim Ark, sinh ra tại San Francisco trong một gia đình người Hoa nhập cư, là công dân Mỹ, do sinh ra trên lãnh thổ Mỹ. Trước đó, chính phủ liên bang từng tìm cách ngăn ông quay trở lại Mỹ với lập luận ông không phải công dân Mỹ dựa trên luật cấm người nhập cư Trung Quốc năm 1882.

Tuy nhiên, một số ý kiến lập luận án lệ trên chỉ áp dụng với trẻ em có cha mẹ đều là người nhập cư hợp pháp vào Mỹ chứ không chắc có thể áp dụng cho con cái của người nhập cư bất hợp pháp hoặc những người chỉ đến Mỹ để du lịch.

Theo ông Andrew Arthur, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư (CIS), đây là án lệ hàng đầu – và cũng là duy nhất – về chủ đề này. “Đây là câu hỏi pháp lý vẫn còn bỏ ngỏ hơn đa số người vẫn nghĩ”, ông nhận xét.

Nhiều người cũng cho rằng cụm từ “thuộc thẩm quyền tài phán ở đó” trong tu chính án thứ 14 cho phép nước Mỹ từ chối cấp quyền công dân cho những đứa trẻ được sinh ra một cách trái phép tại Mỹ. Bản thân ông Trump cũng sử dụng cụm từ này hồi năm 2023 khi tuyên bố ý định chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh.

Ông Trump sẽ làm gì?

Khi trả lời phỏng vấn hôm 8/12, ông Trump tỏ ra chưa rõ bản thân sẽ làm gì để chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh. Trước câu hỏi về cách ông sẽ sử dụng một sắc lệnh hành pháp để vô hiệu hóa tu chính án thứ 14, ông Trump chỉ nói chung chung rằng sẽ “thay đổi điều đó”.

Trước đó, hồi năm 2023, ông Trump nói rõ hơn về chiến lược của mình. Theo đó, chính trị gia Cộng hòa sẽ ban hành một sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống, buộc các cơ quan liên bang “đòi hỏi ít nhất cha hoặc mẹ là công dân hoặc người thường trú hợp pháp tại Mỹ để đứa trẻ có thể đương nhiên là công dân Mỹ”.

Theo ông Trump, sắc lệnh hành pháp này sẽ đảm bảo con cái của người sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ “không được cấp hộ chiếu, số sổ bảo hiểm xã hội hoặc nhận được phúc lợi xã hội từ nguồn tiền của người nộp thuế”.

Giới chuyên gia đánh giá nếu ông Trump làm vậy, gần như chắc chắn ông sẽ phải đối mặt với các vụ kiện về quyết định của mình.

Theo ông Nowrasteh, luật pháp Mỹ quy định rõ ràng rằng nguyên tắc quốc tịch dựa trên nơi sinh không thể bị chấm dứt bằng sắc lệnh hành pháp. Tuy nhiên, ông Trump vẫn có thể cố gắng thực hiện và chấp nhận tham gia kiện tụng.

“Tôi không coi tuyên bố của ông ấy là nghiêm túc”, ông Nowrasteh nói. “Luật pháp và gần như tất cả thẩm phán phản đối quan điểm pháp lý cho rằng con cái của người nhập cư bất hợp pháp không phải công dân Mỹ, dù sinh ra tại Mỹ”.

Ngoài ra, ông Trump vẫn có thể kêu gọi quốc hội Mỹ thông qua luật chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh. Tuy nhiên, cách thức này vẫn không thể tránh khỏi các thách thức về pháp lý do nguy cơ vi phạm Hiến pháp Mỹ.

Theo: Dân Trí