Hơn một năm qua, ông Thắng (tên nhân vật đã được thay đổi), 60 tuổi, sống tại Hà Nội xuất hiện khối sưng đỏ ở ngón tay thứ hai ở bàn tay phải.
Điều đáng chú ý, tổn thương này không đau, không ngứa, nhưng dù đã thử bôi nhiều loại thuốc, tình trạng vẫn không cải thiện.
Mới đây, tình trạng tay diễn biến nặng hơn, ông Thắng quyết định đi khám.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, cho biết: “Qua khai thác, bệnh nhân cho biết có đam mê nuôi cá cảnh. Ngày nào, bệnh nhân cũng dành hàng tiếng để chăm bể cá. Mọi việc từ thay nước, lau dọn bể đều tự tay làm, nhưng bệnh nhân không bao giờ mang găng tay”.
Sau khi thăm khám và hỏi kỹ bệnh sử, xét nghiệm nuôi cấy, BS Tiến Thành chẩn đoán đây là trường hợp mắc u hạt do nhiễm Mycobacterium. Đây là một bệnh lý hiếm gặp nhưng không phải quá xa lạ với các bác sĩ chuyên khoa da liễu, thường gặp ở những người chơi cá cảnh.
Trường hợp của ông Thắng là lời cảnh báo cho những ai đam mê thú chơi cá cảnh nhưng chủ quan trong việc bảo vệ sức khỏe. Sau khi được BS Tiến Thành điều trị theo phác đồ chuyên biệt, tình trạng của ông đã cải thiện rõ rệt, nhưng không phải ai cũng may mắn phát hiện bệnh sớm.
Căn bệnh hiếm gặp từ vi khuẩn trong nước bẩn
Theo BS Tiến Thành, vi khuẩn gây bệnh thường xuất hiện trong môi trường nước bẩn hoặc bể cá có mầm bệnh. Vi khuẩn này xâm nhập qua các vết trầy xước nhỏ trên da, gây tổn thương dạng u hạt – tình trạng mà ông Thắng gặp phải.
“Triệu chứng của bệnh là xuất hiện sẩn, cục nhỏ hoặc mảng màu đỏ nâu 1-4cm, có thể có vết chợt, bề mặt tăng sừng và sùi lên, thường không loét. Một số trường hợp có vảy tiết trên nền u hạt, có thể tiết dịch mủ.
Có ca có sẩn nhỏ vệ tinh, có thể tạo các đường ngầm bên dưới u hạt. Bệnh nhân thường dễ bị nhầm lẫn với các tổn thương lành tính: Nấm da, viêm da tiếp xúc, hạt cơm…
Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài dai dẳng trong nhiều năm, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày”, BS Tiến Thành chia sẻ.
Ai dễ mắc bệnh?
Theo BS Tiến Thành, bệnh thường gặp ở những người có thói quen tiếp xúc trực tiếp với bể cá, hồ cá hoặc môi trường nước bể bơi, hồ bơi… nhiễm khuẩn mà không mang đồ bảo hộ.
Những nhóm có nguy cơ cao bao gồm:
– Người chơi cá cảnh, thường xuyên vệ sinh bể bằng tay trần.
– Nhân viên làm việc trong các cửa hàng cá cảnh hoặc môi trường thủy sinh.
– Người đánh bắt cá.
Để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh, BS Tiến Thành đưa ra một số lời khuyên:
– Luôn sử dụng găng tay bảo hộ khi vệ sinh bể cá hoặc xử lý nước bẩn.
– Duy trì vệ sinh bể cá định kỳ: Thay nước thường xuyên và làm sạch các dụng cụ trong bể.
– Không chạm tay trần vào nước bẩn, đặc biệt khi da có vết xước, tổn thương hở, cần đeo đồ bảo hộ.
“Nếu phát hiện những tổn thương da kéo dài bất thường, như khối sưng đỏ không đau, ngứa chảy dịch… không lành, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị kịp thời”, BS Tiến Thành nhấn mạnh.
Theo: Dân Trí