Sẽ ra sao nếu chủ tài khoản vẫn chưa xác thực sinh trắc học sau 1/1/2025?

Không cập nhật sinh trắc, nhiều giao dịch sẽ bị tạm “khóa” 

Theo quy định của Thông tư 17 và Thông tư 18 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản phải xác thực sinh trắc học với ngân hàng mới được giao dịch. Ngoài ra, theo quy định, khách hàng cũng cần cập nhật giấy tờ tùy thân mới nếu giấy tờ cũ đã hết hạn để không bị gián đoạn giao dịch.

Theo đó, kể từ đầu năm 2025, trong trường hợp chủ tài khoản chưa xác minh sinh trắc học với ngân hàng thì chỉ có thể nạp/rút/chuyển khoản tiền tại quầy của ngân hàng, thậm chí người dùng còn không thể sử dụng các cây ATM/CDM của hệ thống liên ngân hàng để nạp/rút tiền.

Các giao dịch khác trên tài khoản mà trước đây vẫn có thể thực hiện trực tuyến như đặt lịch thanh toán hóa đơn điện/nước/bảo hiểm tự động, thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ/chạm, thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử đều không thể thực hiện được nếu chủ sở hữu tài khoản, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng chưa xác thực sinh trắc học.

Ngoài ra, Luật Căn cước 2023 quy định rằng giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân không gắn chip sẽ hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12, ngay cả khi vẫn còn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng cần đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip mới để tiếp tục sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Sẽ ra sao nếu chủ tài khoản vẫn chưa xác thực sinh trắc học sau 1/1/2025? - 1

Nhiều giao dịch trực tuyến sẽ bị gián đoạn nếu không cập nhật sinh trắc học, chưa cập nhật giấy tờ tùy thân (Ảnh: Nhật Quang).

Trường hợp giấy tờ tùy thân hết hạn sử dụng, người dùng không thể thực hiện bất cứ giao dịch nào với tài khoản, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng của mình nếu chưa cập nhật giấy tờ mới với ngân hàng.

Quy định này cho thấy việc kiểm soát giao dịch qua hệ thống ngân hàng đang ngày càng chặt chẽ hơn và có thể giúp giảm thiểu tối đa các hành vi lừa đảo thông qua hệ thống ngân hàng.

Trước đó, từ đầu tháng 7 năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 2345 quy định việc xác thực sinh trắc học lần đầu là bắt buộc nếu khách hàng muốn chuyển tiền trực tuyến từ 10 triệu đồng một lần trở lên hoặc 20 triệu đồng trở lên trong ngày.

Với quy định tại Thông tư 18, thông tin sinh trắc học không chỉ dùng trong trường hợp chuyển khoản mà còn được đưa vào sử dụng để xác định tài khoản chính chủ.

Điều này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết thêm một vòng bảo mật nữa để bảo vệ tài khoản của khách hàng khi đây được xem là một trong những biện pháp mạnh tay để xử lý tài khoản “rác”, vốn đang bị lợi dụng cho hoạt động lừa đảo.

Đại diện hệ sinh thái số Viettel Money cho biết để tránh tình trạng gián đoạn khi thực hiện giao dịch/thanh toán trực tuyến, người dân chỉ cần chuẩn bị căn cước công dân gắn chip và thao tác đơn giản trên điện thoại, sau đó có thể nhanh chóng hoàn thiện cập nhật sinh trắc học, giúp tăng cường bảo mật cho tài khoản trong các giao dịch tương lai.

Làm thế nào để cập nhật, xác thực sinh trắc?

Để giúp bảo đảm tối đa cho quyền lợi của chủ tài khoản/chủ thẻ, các ngân hàng khuyến nghị khách hàng cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân và cập nhật dữ liệu sinh trắc học bằng cách truy cập vào ứng dụng ngân hàng và thực hiện cập nhật dữ liệu sinh trắc học; hoặc thực hiện cập nhật thông tin cá nhân và dữ liệu sinh trắc học tại tất cả chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng trên toàn quốc.

Để cập nhật sinh trắc học thành công, người dân chỉ cần chuẩn bị CCCD 12 số gắn chip còn hạn sử dụng hoặc thẻ căn cước được cấp từ 1/7 theo chuẩn mới của Bộ Công an và thiết bị di động có hỗ trợ NFC. Trường hợp thiết bị không hỗ trợ NFC, khách hàng cần đến các điểm giao dịch của ngân hàng mở tài khoản.

Để tránh việc các đối tượng lừa đảo lợi dụng việc này nhằm lấy cắp thông tin và tiền trong tài khoản của khách hàng, các ngân hàng khẳng định nhân viên khi hỗ trợ khách hàng cập nhật dữ liệu không bao giờ gửi đường dẫn yêu cầu đăng nhập, cung cấp user, mật khẩu, số CCCD, mã OTP hay bất kỳ thông tin cá nhân nào khác.

Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các hình thức giả mạo, lừa đảo. Khách hàng cũng không nên tự mua/sử dụng các thiết bị NFC cắm ngoài tại nhà để tránh rủi ro bảo mật thông tin cho thiết bị cá nhân. 

Theo: Dân Trí