Tỷ lệ mắc các bệnh đường tiêu hóa ngày càng tăng
Ngày 8/12, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật tổ chức hội nghị khoa học Cập nhật các tiến bộ mới trong quản lý bệnh tiêu hóa và gan mật.
Bệnh lý về đường tiêu hóa luôn là một trong những nhóm bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến mọi độ tuổi. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc các bệnh lý này có xu hướng gia tăng đáng kể.
Bên cạnh viêm loét dạ dày, polyp đại tràng, viêm gan B, C, trào ngược dạ dày thực quản cũng là một bệnh phổ biến trong cộng đồng.
Tỷ lệ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ước tính khoảng 10-15% dân số. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân trào ngược kháng trị hoặc mắc thêm bệnh khó tiêu chức năng, hội chứng ruột kích thích… ngày càng tăng, đặt ra thách thức trong quản lý điều trị.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày trào lên thực quản, gây ra các triệu chứng hoặc tổn thương thực quản, họng, thanh quản hoặc đường hô hấp.
Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở vùng ngực. Ợ nóng xuất phát từ sau xương ức lan lên cổ và họng. Ợ nóng là triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Nó thường được miêu tả như là một cơn đau rát ở giữa ngực.
Triệu chứng xuất hiện về ban đêm nhiều hơn ban ngày, tăng lên khi bệnh nhân ăn hoặc cúi gập người, ép bụng, nằm ngửa và giảm đi khi uống nước ấm và sữa.
Triệu chứng thường không đặc hiệu
PGS.TS.BS Đào Việt Hằng, Bộ môn Nội tổng hợp (Trường Đại học Y Hà Nội), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật, cho biết thêm, hiện tượng trùng lắp của các rối loạn chức năng đường tiêu hóa phổ biến, trong đó hay gặp trùng lắp giữa bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản – khó tiêu chức năng – hội chứng ruột kích thích.
Các triệu chứng bệnh đa dạng, khó nhận định và có thể nhầm lẫn, vì thế bác sĩ cần khai thác kỹ bệnh sử. Bệnh nhân vừa bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản vừa bị khó tiêu chức năng thường có triệu chứng nặng hơn so với việc chỉ mắc một trong hai bệnh.
Chẳng hạn, bệnh nhân có thể thấy nóng rát thượng vị hoặc đầy bụng sau ăn, liên quan tới ợ hơi, ợ chua, có thể có cả nuốt khó.
“Triệu chứng của cả 2 bệnh đều không đặc hiệu, có tỉ lệ đồng mắc cao. Các bộ câu hỏi lâm sàng hiện nay có độ đặc hiệu và độ nhạy không cao”, TS Hằng chia sẻ.
Trong khi đó, nội soi là phương pháp thăm dò phổ biến trong tiếp cận chẩn đoán, phân biệt hai bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ hình ảnh nội soi có tổn thương ở bệnh nhân trào ngược thực quản thấp.
Các phương pháp thăm dò chuyên sâu chẩn đoán xác định trào ngược thực quản hay loại trừ các rối loạn nhu động có triệu chứng tương tự còn chưa phổ biến tại Việt Nam.
GS.TS Đào Văn Long, Chủ tịch hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật, cho biết, một loạt các tiến bộ mới về công nghệ nội soi, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới khả thi và hiệu quả.
Hội nghị lần này tập trung vào nhiều vấn đề thời sự trong lĩnh vực tiêu hóa và gan mật như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng app trong lĩnh vực tiêu hóa, gan nhiễm mỡ, hệ vi sinh trong đường ruột…
Các chuyên gia chia sẻ những giải pháp tiên tiến và công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý và bảo vệ sức khỏe tiêu hóa.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, việc gần 1/10 dân số mắc bệnh đường tiêu hóa là một vấn đề lớn với hệ thống y tế.
Vì thế, phát triển khoa học kỹ thuật trong tư vấn, chẩn đoán sớm, phát hiện sớm, điều trị sớm, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới là một trong những định hướng phát triển chung của khoa học. Nếu không, đây sẽ là gánh nặng rất lớn với hệ thống y tế.
Theo: Dân Trí