Trong vai một khách hàng đang cần tìm mua vé gấp, phóng viên Dân trí đã tiếp cận và hỏi mua vé “chợ đen” từ các phe vé. Khoảng 4 tiếng trước khi sự kiện bắt đầu, phóng viên được một phe vé chào mời với mức giá cao gấp đôi giá gốc.
“Em cần vé gì? Vé CAT 3 (vé ngồi, khu vực xa sân khấu) chỉ 1,5 triệu đồng nếu mua 10 vé, còn mua lẻ thì 2 triệu đồng. Vé chính hãng, vào sân thoải mái!”, chị bán vé “chợ đen” đon đả.
Khi phóng viên ngỏ ý mua số lượng lớn, người này khẳng định có thể cung cấp tối đa 10 vé và hứa sẵn sàng giảm thêm nếu lấy hết. “Lấy 10 vé chị giảm nữa, chứ sát giờ là không có mà mua đâu”, chị nói.
Một phe vé khác cũng nhanh chóng tiếp cận với mức giá không chênh lệch nhiều nhưng kèm theo lời thúc giục: “Còn vài vé thôi, anh để em 1,8 triệu đồng, em không lấy nhanh là hết. Bên này bán giá hợp lý, sát giờ không còn đâu!”.
Sự xuất hiện của các phe vé với những chiêu trò cạnh tranh quyết liệt khiến khách hàng không khỏi bối rối. Hầu hết các phe vé quanh khu vực sân vận động đều là những người trung tuổi, với phong cách bán hàng dạn dĩ. Họ không ngần ngại tranh cãi, thậm chí chen lấn để giành khách.
Nhiều phe vé khẳng định: “Ở đây giá tốt nhất, không ai dám phá giá hơn”.
Chị Nguyễn Thu Hương (28 tuổi, Hà Nội) đã quyết định mua vé “chợ đen”. Chị Thu Hương cho biết, ban đầu chị kỳ vọng sẽ mua được vé rẻ từ các phe vé nhưng thực tế lại khác xa tưởng tượng.
“Tôi nghe bạn bè nói vé “chợ đen” rẻ hơn nhưng khi hỏi thì vé rẻ nhất là hạng CAT 3 (vé ngồi, khu vực xa sân khấu nhất) đã bị đẩy giá lên 1,5 triệu đồng, trong khi Ban tổ chức chỉ bán 500.000 đồng. Lúc đó, tôi phân vân nhưng vẫn mua vì sợ sát giờ không còn vé mà đi về tay không thì uổng công”, chị Hương kể.
Dù biết việc mua vé “chợ đen” tiềm ẩn nhiều rủi ro, chị Hương vẫn cảm thấy hài lòng với quyết định của mình khi may mắn được vào trong và tận hưởng trọn vẹn buổi biểu diễn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị Hương. Bạn Nguyễn Minh Tâm (22 tuổi, Hải Phòng) lại gặp phải tình huống dở khóc dở cười khi mua vé “chợ đen”.
Minh Tâm cùng nhóm bạn cũng phải mua vé từ phe vé với giá cao hơn dự tính, Tâm đã mua 5 SVIP (vé ngồi, khu vực gần sân khấu), mỗi vé có giá 5 triệu đồng, đắt hơn 1 triệu đồng so với giá từ Ban tổ chức.
“Chúng tôi hy vọng mua được vé rẻ, nhưng sát giờ, phe vé vẫn thổi giá. Cân nhắc đi lại, chờ đợi từ sáng đến giờ, cả nhóm quyết định mua luôn”, Minh Tâm chia sẻ.
Tuy nhiên, khi đến quầy đổi vòng tay, Minh Tâm và nhóm bạn nhận thông báo các mã vé đã được sử dụng từ trước. “Lúc đó, tôi thật sự bối rối và bực mình vì biết đã mua phải vé giả. Nhưng để không bỏ lỡ sự kiện, chúng tôi đang tìm những người khác bán lại vé hoặc mua sẵn vé đã đổi vòng tay”, Minh Tâm bộc bạch.
Cách Minh Tâm vài bước chân, Nguyễn Ngọc Linh, 19 tuổi, đến từ Nghệ An cũng vừa mua vé từ các phe vé. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Ngọc Linh cho biết, mình là người hâm mộ trung thành của chương trình Anh trai say hi.
Cô đã bắt xe từ Nghệ An lên Hà Nội suốt đêm chỉ để tham dự concert, mang theo hy vọng đổi kịp vé chợ đen giá rẻ để tiết kiệm chi phí nhưng thực tế, cô cũng phải trả mức giá cao hơn rất nhiều so với dự tính.
“Tôi nghĩ vé “chợ đen” sẽ rẻ nhưng các phe vé chào mời mức vé cat 2 là 1,4 triệu đồng, đắt gấp đôi so với giá gốc. Tôi không dám chờ sát giờ vì sợ hết vé nên mua luôn để chắc chắn. Đổi vòng tay xong, tôi vỡ òa vì mọi thứ đều ổn”, Linh chia sẻ.
Dù may mắn không gặp phải vé giả, Linh thừa nhận mình đã rất liều lĩnh. “Nếu vé không hợp lệ, cả chuyến đi xa xôi này sẽ trở thành nỗi thất vọng lớn”, cô chia sẻ thêm.
Theo: Dân Trí