Tử vong sau khi đi massage cổ vai gáy
Mới đây, thông tin nữ ca sĩ Ping Chayada (20 tuổi) qua đời sau khi đi massage cổ vai gáy khiến dư luận Thái Lan xôn xao. Theo Bangkok Post, Ping Chayada tử vong vào sáng 8/12 tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện ở Udon Thani (Thái Lan).
Nguyên nhân được xác định là nhiễm trùng máu và phù não. Các biến chứng này bị nghi ngờ liên quan đến một chuỗi liệu pháp massage mà nữ ca sĩ sử dụng trước đó.
Cụ thể, Chayada từng chia sẻ trên trang cá nhân về một “trải nghiệm kinh hoàng” khi đi massage tại một cơ sở ở Udon Thani. Sau lần massage cổ vai gáy đầu tiên, nữ ca sĩ bắt đầu cảm thấy tê bì ở cánh tay. Đến lần thứ hai thực hiện liệu pháp trên, cô đau nhức dữ dội đến mức không thể nằm thẳng lưng.
Dù vậy, nữ ca sĩ tiếp tục quay trở lại massage lần thứ ba. Sau lần này, cô bị sưng và bầm tím khắp cơ thể, sức khỏe ngày càng xấu đi. Đến ngày 18/11, Chayada đăng tải dòng trạng thái cuối cùng, cho biết đã nằm liệt giường. Ít ngày sau, cô không qua khỏi.
Vụ việc trên đang được cơ quan chức năng Thái Lan điều tra. Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cơ sở và nhân viên thực hiện dịch vụ massage, cũng như lo ngại nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cho người dân khi sử dụng liệu pháp này.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sang, người có nhiều năm hành nghề trong lĩnh vực phục hồi chức năng, vật lý trị liệu cho biết, massage trị liệu là việc dùng tay và các dụng cụ khác để xoa bóp các cơ và mô liên kết, nhằm giải phóng căng thẳng, giảm đau, cân bằng cơ thể.
Theo nhiều nghiên cứu, liệu pháp massage trị liệu có thể bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó được các nước trên thế giới (như Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Ai Cập…) áp dụng và điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa và thể trạng của người dân quốc gia họ.
Bác sĩ Sang chia sẻ, bản chất của massage là việc thực hiện các động tác như xoa bóp, miết, vỗ, nhào, vuốt và lướt nhẹ giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng, kích thích tăng cường tuần hoàn máu, giảm căng cơ và đau nhức xương khớp, giảm stress, cải thiện giấc ngủ, giảm đau cổ vai gáy.
Như vậy, massage có tác dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, nếu người hành nghề (kỹ thuật viên) chưa được đào tạo bài bản, không nắm vững những kỹ thuật của massage, bệnh nhân chẳng những không cải thiện chức năng mà ngược lại sẽ gây ra những biến chứng.
Bác sĩ Sang phân tích, khi người dân đi massage, nếu kỹ thuật viên tác động một lực đáng kể và sai cách vào vùng cổ vai gáy sẽ dẫn đến chấn thương cột sống (có thể bị lệch, gãy…), sau đó chèn ép cấp tính lên dây thần kinh gây đau đớn. Nặng hơn, bệnh nhân xảy ra tiêu tiểu không tự chủ, yếu, liệt.
Nếu không được chữa trị và cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong hoàn toàn có thể xảy ra.
“Trong kinh nghiệm hành nghề, tôi đã gặp trường hợp đi massage về đau dữ dội hơn (đau cấp tính). Bệnh nhân sau đó phải điều trị nội khoa và nằm nghỉ ngơi nhiều tuần mới phục hồi”, bác sĩ Sang nói.
Cảnh giác các nhân viên massage “tay ngang”
Bác sĩ Calvin Q Trịnh, Giám đốc một trung tâm phục hồi chức năng và hình thể chia sẻ thêm, cổ là bộ phận trọng yếu của cơ thể. Tủy cổ là nơi dẫn truyền thần kinh từ não xuống toàn bộ cơ thể.
Thực tế hiện nay, có tình trạng các nhân viên massage tay ngang, thậm chí cả những người từng được đào tạo cơ bản cố thể hiện mình là một “nhà trị liệu”. Khi hành nghề, dùng lực để tạo ra tiếng kêu bẻ khớp, hoặc ấn sâu làm mạnh để trị đau cho bệnh nhân, thậm chí dùng búa gỗ gõ mạnh lên cột sống.
Các nguyên nhân này gây ra tổn thương tại các đốt sống như di lệch, vỡ, chèn ép, chảy máu, phù nề dẫn đến tổn thương tủy sống. Đặc biệt, với người có bệnh nền thoái hóa thân đốt sống, loãng xương, chỉ một chấn thương cột sống nhẹ cũng có thể là nguyên nhân gây tổn thương tủy nặng.
Hậu quả, bệnh nhân sẽ ảnh hưởng chức năng vận động và cảm giác tại vùng thần kinh chi phối, nặng hơn gây liệt, thậm chí liệt tứ chi hay toàn thân. Nếu tổn thương xảy ra tại vùng tủy cao (C3 trở lên) có thể gây tổn hại hệ thần kinh tim mạch, hô hấp, dẫn đến tử vong.
Bác sĩ đánh giá, việc không giảm đau sau lần đầu tiên và việc nhân viên massage càng làm thao tác mạnh hơn ở những lần sau làm cho tổn thương chồng tổn thương, tình trạng bệnh nặng diễn tiến nhanh chóng.
“Massage không thể trị liệu bệnh lý đau cổ vai gáy do mất cân bằng cơ hay do các tổn thương thực thể.
Người đi massage nói chung không nên đề cập vấn đề trị liệu, chữa bệnh với kỹ thuật viên, càng không nên chỉ định họ làm mạnh hay than chưa bớt đau, vì điều này càng khuyến khích họ thực hiện không đúng chức năng và sự giới hạn”, bác sĩ Calvin Q Trịnh khẳng định.
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện nay đau mỏi vai gáy xuất hiện nhiều ở dân văn phòng, người ngồi thường xuyên ngồi làm việc với máy vi tính…
Việc đi massage có thể giúp thư giãn cơ và tinh thần, nhưng người dân cần phải tìm những cơ sở uy tín, có kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, tốt nhất là đến các bệnh viện có khoa y học cổ truyền hoặc vật lý trị liệu.
Sau khi đi massage, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như đau cứng cổ, cơn đau lan lên chẩm, cảm giác tê bì hoặc dị cảm ở một hay 2 chi trên, tiêu tiểu không tự chủ, khó thở… người dân cần đến bệnh viện để bác sĩ cho làm một số kiểm tra cận lâm sàng, từ đó được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo: Dân Trí