ESG – công cụ đắc lực để Chính phủ và doanh nghiệp thực thi kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành vật liệu xây dựng (VLXD) theo hướng bền vững, xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.
Nổi bật là chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng tới năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020, với một trong các quan điểm là phát triển VLXD phải sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu. Mục tiêu giảm 8% phát thải CO2 vào năm 2030 so với hiện tại. Đây được xem là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành xi măng.
Để tiến tới mục tiêu trên, thực thi ESG (môi trường – xã hội – quản trị minh bạch) trong ngành vật liệu xây dựng được xem là công cụ đắc lực để Chính phủ và doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, hướng đến Net Zero.
Theo các chuyên gia, việc thực thi ESG trong các doanh nghiệp ngành VLXD không chỉ giúp nâng cao uy tín và giá trị bền vững cho công ty mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư vào công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, như việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch và tối ưu hóa quy trình sản xuất; hạn chế lượng chất thải từ quá trình sản xuất vật liệu, tái chế VLXD cũ và ứng dụng công nghệ giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn (KTTH) và ESG còn chưa hoàn thiện thống nhất và đồng bộ ở cấp Trung ương và địa phương dẫn đến khó khăn trong việc thực thi KTTH tại các doanh nghiệp. Điều này khiến các doanh nghiệp muốn tiên phong thực thi kinh tế tuần hoàn, hướng đến Net Zero, phải có sáng kiến riêng và mạnh dạn triển khai các chiến lược tăng trưởng xanh toàn diện trong hệ thống sản xuất của mình.
SCG triển khai thành công chiến lược tăng trưởng xanh toàn diện với ESG 4Plus
Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024, ông Chana Poomee, Giám đốc cấp cao – Phát triển bền vững, Tập đoàn SCG nhấn mạnh: “Hợp tác là vấn đề mấu chốt để thực hiện thành công các chiến lược trong kinh tế tuần hoàn. Từ tư duy tích cực đến hợp tác cùng nhau để mọi người cùng sáng tạo, từ nỗ lực, đoàn kết, thống nhất giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tôi tin rằng ngày càng nhiều doanh nghiệp thực thi kinh tế tuần hoàn, chiến lược ESG vào hoạt động kinh doanh, tuân thủ định hướng mới và cùng nhau hành động, hướng đến một mục tiêu chung – vì một Việt Nam phát triển bền vững.
SCG cho biết, để thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh của đất nước, trong các năm qua, tập đoàn đã chủ động thực hiện cam kết của mình thông qua chiến lược ESG 4Plus với lộ trình bao gồm: Hướng đến phát thải ròng bằng không (Set Net-Zero) – Phát triển Xanh (Go Green) – Giảm bất bình đẳng (Reduce Inequality) – Thúc đẩy hợp tác (Embrace Collaboration), Công bằng (Fairness) và Minh bạch trong tất cả hoạt động kinh doanh (Transparency in all operations).
Để thực hiện chiến lược này, SCG cho biết đã hợp tác với các bên hữu quan và đối tác, với đa dạng nhà cung cấp nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ tài nguyên và tạo ra chất thải. Hướng tiếp cận này không chỉ giúp giảm lượng khí thải carbon mà còn khuyến khích sử dụng các nguồn vật liệu và năng lượng bền vững, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và quảng bá các sản phẩm thân thiện, giảm tác động đến môi trường. Đây cũng là những định hướng được nhấn mạnh trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.
SCG cho thấy hiệu quả của chiến lược tăng trưởng xanh toàn diện với sáng kiến ESG 4plus riêng của mình khi trong năm 2024, tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm xi măng carbon thấp, giúp giảm 20% lượng phát thải carbon so với xi măng thông thường.
Để đạt được mục tiêu này, SCG cải thiện quy trình sản xuất để giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải carbon. Cụ thể, sản phẩm SCG Low Carbon Super Xi măng được sử dụng nhiên liệu sinh khối (biomass) thay cho nhiên liệu hóa thạch và tăng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, công ty còn lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt thải (Waste Heat Recovery) khắp các nhà máy để giảm lượng khí thải carbon phát sinh từ quá trình sản xuất xi măng.
Theo SCG, mỗi tấn SCG Low Carbon Super Xi măng góp phần giảm lượng phát thải carbon tương đương với mức độ hấp thụ CO2 của 12 cây trưởng thành trong vòng một năm.
Bên cạnh đặc tính thân thiện môi trường, SCG cũng ứng dụng công nghệ Nano, để tạo ra dòng xi măng bền chắc và chống chọi cao hơn trước những tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Cũng trong năm 2024, Prime Group, công ty thành viên của SCG, đã thiết lập tiêu chuẩn mới trong ngành gạch ốp lát khi giới thiệu ra thị trường sản phẩm gạch mỏng Slim Tiles. Ngoài ra, công ty còn áp dụng các hệ thống thu hồi nhiệt thải, thay thế nguồn nguyên liệu hóa thạch (than) bằng nguyên liệu sinh khối, giúp giảm đến 25% mức tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu trong quá trình sản xuất.
SCG Low Carbon Super Xi măng và gạch Slim Tiles là minh chứng cho cam kết của SCG tiên phong thực thi kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu Net Zero cùng Chính phủ.
Thành công bước đầu của SCG có thể xem là mô hình tiêu biểu để các doanh nghiệp trong ngành học hỏi, từ đó xây dựng chiến lược đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, xanh hóa ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tại Việt Nam và mục tiêu Net Zero 2050.
Theo: Dân Trí